Vấn đề cải cách tiền lương năm 2024 được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quan tâm.
Kiến nghị từ cơ sở
Trong văn bản kiến nghị của Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam, cải cách tiền lương là một trong 2 nội dung chính gửi tới Đảng và Chính phủ.
Người dân, doanh nghiệp đến bộ phận một cửa Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Lào Cai giải quyết thủ tucj hành chính. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN |
Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới, một trong những hoạt động để gắn kết cán bộ công chức, viên chức lao động, giúp mọi người hoàn thành tốt nhiệm vụ là việc đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là về tiền lương.
Ông Trần Đức Lâm, Công đoàn Kiểm toán Nhà nước cho biết, lương cho công đoàn viên, người lao động cần được cải thiện hơn, đặc biệt từng vị trí việc làm cụ thể, cải cách tiền lương trong giai đoạn mới. Do đó, Công đoàn Viên chức đề xuất sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, đáp ứng thu nhập của người lao động.
“Thực tế, vấn đề cải cách tiền lương đã được đặt ra từ Nghị quyết 27 năm 2017, nhưng do những khó khăn nên chúng ta vẫn chưa thể cải cách. Hiện nay Đảng, Chính phủ đã rất quan tâm, một mặt vừa đảm bảo nâng cao đời sống cho cán bộ công chức, mặt khác vẫn cố gắng giữ chân họ ở lại hệ thống, nhất là những cán bộ, công chức viên chức, người có năng lực và kinh nghiệm và tâm huyết. Hy vọng năm 2024, chúng ta có thể cải cách tiền lương, giúp tăng lương cho công chức viên chức. Nếu thành hiện thực, đó là tin mừng cho công chức viên chức trong bối cảnh giá cả tăng như hiện nay”, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam cho biết.
6 nội dung cải cách tiền lương
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024), gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; Chế độ phụ cấp; Chế độ tiền thưởng; Chế độ nâng bậc lương; Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; Quản lý tiền lương và thu nhập.
Sau năm 2024, tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Cũng theo Bộ Nội vụ, tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, bằng 1,94% tổng số biên chế được giao.
Trong đó, số nhân sự cơ quan, tổ chức hành chính xin thôi việc, nghỉ việc là 1.029 người, chiếm 10,19%. Con số này ở các đơn vị sự nghiệp công lập là 35.523 người, chiếm 89,81%.
Số lượng công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc ở các bộ, ngành là 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người chiếm 78,81%). Số nghỉ việc, thôi việc ở các địa phương là 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người chiếm 92,22%).
Do đó, việc cải cách tiền lương là việc cấp bách để giữ chân người giỏi lại hệ thống cơ quan Nhà nước. TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng: Đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, việc chưa toàn tâm toàn ý có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề tiền lương, thu nhập, các chế độ chính sách, khen thưởng. Bởi vì, việc toàn tâm toàn ý còn liên quan đến ý thức nêu gương, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.
Như vậy, tiền lương là vấn đề rất quan trọng. Bởi xét ở khía cạnh nào đó, tiền lương và thu nhập, các chế độ khen thưởng bằng vật chất, tinh thần chính là “đòn bẩy” rất mạnh mẽ, là động lực của sự lao động và sáng tạo.
“Tuy nhiên, nếu muốn tăng lương thì phải có bài toán đi trước về mặt nhân sự. Muốn giải quyết được bài toán nhân sự thì cần phải cân đối quỹ tiền lương. Như vậy, hai vấn đề này gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể nói đến nhân sự mà không nói đến tiền lương, không thể nói tiền lương mà không nói đến nhân sự”, TS Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Chính vì thế, việc cải cách, đổi mới chế độ tiền lương phải đổi mới chế độ nhân sự, phải xem xét công tác cán bộ, công tác nhân sự sao cho hợp lý về mặt số lượng, chất lượng con người, phải chọn người có đủ khả năng gánh vác, điều hành ở từng cấp độ khác nhau. Có nghĩa, phải sắp xếp lực lượng lao động, nhân sự sao cho hợp lý, sử dụng con người đúng chuyên môn, nghề nghiệp để họ phát huy được sở trường.
Trong khi đó, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội khóa XIV cho rằng, cải cách tiền lương vào 1/7/2024 là thời điểm phù hợp, chín muồi vì chúng ta đã lùi thời gian cải cách ít nhất 2 lần kể từ năm 2020. Điều quan trọng là chúng ta đã thực hiện được một bước giảm nhẹ biên chế, sắp xếp tổ chức, chuẩn bị nguồn lực.
Việc cải cách tiền lương trong điều kiện hiện nay là tin vui cho cán bộ công chức, viên chức, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức hứng thú làm việc, thúc đẩy tăng năng suất lao động, gắn bó với cơ quan đơn vị.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, theo tinh thần của Kết luận 62, Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu đối với cải cách tiền lương phải xem xét đặc thù của các đơn vị sự nghiệp công nhằm mục tiêu đảm bảo tiền lương được phân phối theo đúng năng lực công tác, quá trình đào tạo, khả năng cống hiến và đảm bảo đúng nguyên tắc phân phối theo lao động và xếp lương theo vị trí việc làm.
Chính vì lẽ đó, mục tiêu cải cách tiền lương là bảo đảm cho người lao động đủ sống bằng lương; đặc biệt, phải xem xét quy định các loại phụ cấp đặc thù cho các ngành lĩnh vực đặc thù; để giữ chân người lao động đang làm việc tại các lĩnh vực đó hoặc thu hút nhân tài có năng lực chuyên môn vào khu vực công nhằm khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư (như 2 ngành y tế và giáo dục sau 2 năm đại dịch COVID-19).
Việc Bộ Chính trị yêu cầu bám sát mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương hoàn toàn đúng với nguyên tắc của chi trả tiền lương, nguyên tắc phân phối theo lao động và quan trọng là tạo ra động lực để giữ chân công chức của khu vực công, thu hút người tài, tạo động lực cho bộ máy của khu vực công lập, bảo đảm tiền lương đủ sống để cán bộ không phải “chân ngoài dài hơn chân trong”, toàn tâm toàn ý thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công theo vị trí việc làm.
Một ý nghĩa quan trọng nữa của việc cải cách chính sách tiền lương, theo ông Bùi Sỹ Lợi, đó là khi đã có mức lương đủ sống hay đảm bảo duy trì cuộc sống gia đình, con cái học hành, thì tư tưởng xà xẻo, hách dịch, tìm cách tham nhũng, tiêu cực cũng sẽ giảm đi.
Tuy nhiên trong điều kiện thực tế hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi vẫn lo ngại việc cải cách tiền lương chưa thể kéo giảm được chênh lệch thu nhập của khu vực công và khu vực tư như tinh thần của Nghị quyết 27. Vấn đề quan trọng hơn, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tổng lượng tiền lưu thông sẽ nhiều hơn, dẫn đến chỉ số giá sinh hoạt tăng lên. Vì thế, nếu Chính phủ không có các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường, thì việc cải cách tiền lương hay tăng thêm thu nhập cho người lao động sẽ không còn ý nghĩa.
Những năm qua, Việt Nam tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của Trung ương đảng khóa XII. Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách để thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được Trung ương thông qua.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin