Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh có 9 đơn vị hội cấp huyện, 189 cơ sở hội, với trên 2.200 chi hội và 203.000 hội viên, trong đó có trên 54.340 hội viên người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ gần 27%). Bằng nhiều giải pháp hiệu quả, thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã được các cấp Hội tích cực triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ chị em từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Các học viên ở huyện Phú Bình tham gia làm bài tập thực hành về kỹ năng thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng các chương trình, chính sách. |
Trong những năm qua, hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao trình độ về mọi mặt, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc được lồng ghép vào nhiều hoạt động phong trào tại địa phương. Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã chủ động khai thác các chương trình, nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của phụ nữ để phát triển kinh tế, tăng thu nhập; tạo điều kiện cho các hộ phụ nữ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số.
Từ những nguồn lực hỗ trợ này, nhiều chị em đã tích cực, gương mẫu trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động tại địa phương; thi đua sản xuất - kinh doanh; vận động thành viên trong gia đình thực hiện tiêu chí “3 sạch”; tham gia mô hình “Đoạn đường/tuyến phố nở hoa”, “Nhà sạch, vườn đẹp”; “Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới”... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp Hội tổ chức được 9 hội nghị tập huấn, thông tin tuyên truyền về công tác dân tộc, tôn giáo cho gần 900 cán bộ, hội viên tham gia.
Đặc biệt, từ năm 2022, Hội LHPN tỉnh được giao chủ trì triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Đây là một trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, được triển khai tại 6 huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình.
Thực hiện Dự án 8, tính đến tháng 6-2023, toàn tỉnh đã thành lập được 151 tổ truyền thông cộng đồng; thành lập mới 6 mô hình “Địa chỉ tin cậy”; 11 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; tổ chức 81 lớp tập huấn nâng cao năng lực triển khai một số mô hình, hoạt động của Dự án; tập huấn giám sát đánh giá về bình đẳng giới, chương trình phát triển năng lực lồng ghép giới và hướng dẫn tổ chức đối thoại chính sách ở cấp cơ sở, với hơn 3.500 đại biểu tham gia; tổ chức 16 chương trình phát động chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến, khuôn giới mẫu trong gia đình và cộng đồng cho gần 3.000 hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.
Các hoạt động hỗ trợ đã tác động tích cực đến đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. Cuối năm 2023, ước tính sẽ có 734 hộ do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo và cận nghèo. Các cấp hội phối hợp đào tạo nghề cho gần 5.000 phụ nữ, tạo việc làm sau đào tạo nghề cho 1.675 phụ nữ. Tổng nguồn vốn do hội phụ nữ quản lý đạt gần 3.400 tỷ đồng, cho hơn 60.000 lượt người vay...
Nhằm tăng cường năng lực cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân tộc và kiến thức về giới, lồng ghép giới; tập huấn nâng cao năng lực trong công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, kỹ năng tuyên truyền, vận động, kiến thức về văn hóa của các dân tộc thiểu số Việt Nam; kịp thời phối hợp phát hiện, ngăn chặn, giải quyết các vụ việc và vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin