Gần 1.000 hộ thoát nghèo (vượt 98% kế hoạch) và cận nghèo (vượt 320% kế hoạch) là kết quả và sự nỗ lực rất lớn trong công tác giảm nghèo của huyện Phú Bình năm 2023. Đầu tư, hỗ trợ đúng đối tượng và phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất của từng hộ; triển khai và giao nhiệm vụ giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững đến từng khu dân cư, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp... là những giải pháp căn cơ được huyện triển khai thực hiện thời gian qua.
Nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn huyện Phú Bình được tạo điều kiện vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. |
Ngay từ đầu năm 2023, các phòng chuyên môn của huyện Phú Bình đã mở lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát hộ nghèo, cận nghèo cho lãnh đạo, cán bộ và điều tra viên của 20 xã, thị trấn. Ban Chỉ đạo giảm nghèo từ cấp huyện đến xã cũng phân chia thành viên thường xuyên kiểm tra, giám sát việc rà soát tại cơ sở. Qua đó giúp đánh giá đúng thực trạng hộ nghèo trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Dựa trên kết quả rà soát, giải pháp trọng tâm được huyện triển khai là thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tính đến ngày 30/11/2023, dư nợ cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn huyện là trên 593 tỷ đồng, với gần 15.000 hộ vay. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nghèo đã có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Anh Đàm Văn Trường, ở xóm Tân Lập, xã Tân Đức, chia sẻ: Năm 2015, tôi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn này, cộng thêm vay mượn người thân và số tiền tích lũy của gia đình, tôi đã mua 10 con bò để nuôi vỗ béo. Sau 1 năm chăn nuôi, đàn bò sinh trưởng tốt và bán được giá cao. Số tiền thu được, tôi tiếp tục đầu tư chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo vào năm 2019. Đến năm 2021, tôi tiếp tục vay nguồn vốn dành cho hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để tiếp tục đầu tư kinh tế.
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng, huyện Phú Bình cũng phân bổ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững để thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Riêng năm 2023, huyện đã triển khai 5 dự án, gồm: mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản, mô hình trồng rau an toàn vụ đông... Tổng kinh phí thực hiện các dự án là trên 6,7 tỷ đồng.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm 2023, trên 1.000 lao động của địa phương đã được tham gia các lớp học nghề. UBND huyện phối hợp tổ chức 2 ngày hội việc làm, kết nối khởi nghiệp. Qua đó, giải quyết việc làm cho trên 3.200 lao động, trong đó có nhiều lao động là hộ nghèo, cận nghèo.
Các giải pháp, chính sách được huyện Phú Bình triển khai kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần giúp các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo. Bước sang năm 2024, huyện đề ra mục tiêu giảm 0,78% tỷ lệ hộ nghèo. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Đồng thời quan tâm tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với nhiều nguồn vốn phát triển sản xuất; kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm cho người lao động...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin