Nhị Hòa trở thành tổ dân phố từ năm 2017, khi Đồng Bẩm là phường thuộc TP. Thái Nguyên, nhưng đến nay vẫn không ít người quen gọi là xóm. Ngay cả ông tổ trưởng dân phố cũng có lần nhầm khi gọi loa thông báo cho bà con. Chiếc cổng làng mang dòng chữ “Xóm Nhị Hòa 1952” vẫn sừng sững, cách đó chỉ vài chục mét là một ngã tư, nơi giao nhau của 2 tuyến đường hiện đại, rộng thênh thang vừa được hoàn thành…
Cổng làng/xóm Nhị Hòa. Ảnh: Lăng Khoa |
Chỉ vài năm trước, Nhị Hòa vẫn là vùng đất thuần nông, người dân nổi tiếng cần cù và có trình độ thâm canh cao nhiều loại rau, củ, quả. Vùng đất này cũng như cả phường Đồng Bẩm và những khu vực lân cận được dòng sông Cầu, suối Mo Linh bồi đắp phù sa màu mỡ. Cư dân Nhị Hòa hiện nay (trên 170 hộ, 720 nhân khẩu) phần lớn có gốc gác từ các tỉnh miền xuôi, như: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây cũ… và một số có lịch sử định cư ở đây lâu hơn là người Sán Dìu cùng một số dân tộc ít người khác. Tất cả đã hòa trộn thành một cộng đồng gắn kết hàng chục năm nay.
Gần đây Nhị Hòa thay đổi chóng mặt. Ông tổ trưởng dân phố Bùi Đức Lượng khẳng định với tôi như vậy rồi nói như muốn khoe: Hai đầu xóm (ông và nhiều người dân Nhị Hòa vẫn quen/hoặc quên gọi là xóm trong những câu chuyện dân dã hằng ngày) giờ có 2 cây cầu hiện đại là Mo Linh 1 và Mo Linh 2. Đường đô thị động lực chạy dọc xóm giao với Tuyến đường Huống Thượng - Chùa Hang vừa hoàn thành. Những đám ruộng trũng trước đây giờ thành đường lớn, có vỉa hè rộng và đèn cao áp sáng rực; thành khu dân cư, khu đô thị hiện đại. Nhà cửa khang trang hơn, dân cư, hàng quán ngày một đông đúc. Đúng là làng đã lên phố rồi, gần như không còn đất nông nghiệp nữa.
Tôi hỏi về “lai lịch” của chiếc cổng làng/xóm Nhị Hòa, ông Lượng kể rành mạch, vì thời gian cũng chưa lâu và khi đó ông đã là trưởng xóm: Năm 2012, khi có người đề xuất xây dựng cổng làng và đứng ra tài trợ một nửa chi phí, cả xóm chụm vào bàn bạc việc lớn và chưa có tiền lệ, nhưng tâm lý chung của bà con là vui, tự hào lắm, vì xã Đồng Bẩm lúc đó chỉ làng Đồng Tâm có cổng. Mỗi người góp một ý, rồi thống nhất, chung tay ủng hộ (trên tinh thần tự nguyện) cùng với “mạnh thường quân” chính (cũng là cư dân ở xóm) được gần 200 triệu đồng để xây cổng làng, đúng dịp 60 năm lập làng…
Qua câu chuyện với ông tổ trưởng và nhiều người dân Nhị Hòa, tôi biết ý tưởng xây dựng cổng làng này khởi phát từ những người lớn tuổi có quê gốc ở các tỉnh miền xuôi. Trong số họ có người tuổi thơ từng được gắn liền với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình và chiếc cổng làng cổ kính, những biểu trưng không thể thiếu của phần lớn làng quê Bắc Bộ. Hoặc có người sinh ra ở Nhị Hòa bởi gia đình đã di cư đến đây trước, nhưng được ngấm “mạch nguồn” văn hóa từ cha ông, nhớ về nguồn cội… và họ muốn có một chiếc cổng làng. Họ được những lớp người trước truyền lại quan niệm: Làng không cổng như nhà không có cửa; cổng làng không chỉ có ý nghĩa phân định không gian làng này với làng khác, là dấu hiệu để nhận biết một khu dân cư, mà còn mang nhiều giá trị văn hóa tinh thần, là nơi tiễn người làng đi, đón người làng về, là biểu tượng đẹp đẽ của quê hương trong tâm khảm của những người con xa xứ, cũng là một biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, trình độ văn hóa và những nét riêng của làng...
Ngày cổng làng Nhị Hòa “ra mắt thiên hạ” trùng với ngày TP. Thái Nguyên tròn 50 tuổi (19/10/2012), xóm tổ chức tiệc khánh thành ngay tại khu vực cổng làng. Cổng được xây dựng ở đầu xóm, cũng là đoạn đầu của tuyến đường bê tông trục xóm, công trình đến nay vẫn được người dân Nhị Hòa coi là một niềm tự hào vì được làm sớm, làm rộng hơn nhiều xóm khác.
Nay Nhị Hòa đã thành tổ dân phố, đã lên phố, người làng đi về hoặc người nơi khác khi muốn vào đây không nhất thiết phải qua cổng làng vì đã có những con đường lớn cắt ngang dọc. Nhưng chiếc cổng làng vẫn đứng đó, vẫn “kiêu hãnh”, và như trầm mặc, suy tư, lặng lẽ chứng kiến, “mừng” cho dân làng phát triển khi có đường rộng, cầu to, cuộc sống vật chất, tinh thần khá lên từng ngày.
Cổng làng Đồng Tâm (phường Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên) cạnh cầu Bến Tượng và Khu đô thị Picenza Đồng Bẩm. Ảnh: Lăng Khoa |
Tôi quan sát chiếc cổng làng Nhị Hòa hồi lâu, rồi nhìn dòng xe cộ tấp nập qua lại trên tuyến đường Huống Thượng - Chùa Hang cạnh đó mà liên tưởng đến cổng làng Gia Thượng (Long Biên, Hà Nội) có tuổi đời hàng trăm năm, biểu tượng của một làng quê văn hiến. Đó là chiếc cổng làng đặc biệt khi được giữ lại trên vỉa hè của một con phố sầm uất ở Thủ đô, nó khẳng định quá khứ, truyền thống lịch sử - văn hóa được tôn trọng. Ở Hà Nội và nhiều tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày nay không hiếm những chiếc cổng làng như thế, như mạch nguồn văn hóa truyền thống tiếp tục chảy để làm điểm tựa cho quá trình hiện đại hóa…
Thái Nguyên là vùng đất bán sơn địa, nơi giao thoa giữa đồng bằng và miền núi, không nhiều làng/xóm có cổng như Nhị Hòa và ở miền xuôi, càng hiếm những cổng làng lâu đời. Trong tỉnh, cổng làng phổ biến hơn ở những địa phương vùng thấp như Phú Bình, Phổ Yên, trong đó phải kể đến cổng làng Phương Độ (xã Xuân Phương, Phú Bình). Chiếc cổng làng đặc biệt và nổi tiếng này được hình thành từ 2 gốc đa cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, và làng cổ Phương Độ ngày nay vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống cả vật thể và phi vật thể.
Những năm gần đây, tỉnh có cơ chế hỗ trợ các làng nghề và làng nghề truyền thống đầu tư cơ sở vật chất sau khi được công nhận với mức 40-50 triệu đồng/làng. Và phần lớn làng nghề sử dụng số tiền hỗ trợ này để xây cổng làng. Điều đó cho thấy người dân rất coi trọng giá trị của cổng làng.
Tỉnh đang trên đà đô thị hóa ngày càng nhanh, nhất là TP. Thái Nguyên (như ví dụ ở Nhị Hòa) và các huyện khu vực phía Nam tỉnh. Trong quá trình đó, các giá trị truyền thống tốt đẹp, ví như những chiếc cổng làng hoặc chỉ là ý niệm về cổng làng cần được trân trọng và phát huy phù hợp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin