Hộ dân được toàn quyền quyết định lựa chọn con giống chất lượng tốt nhất, phù hợp với cơ chế, chính sách và điều kiện chăn nuôi, dưới sự kiểm soát, tư vấn của cơ quan chuyên môn. Đó là cách làm hiệu quả ở huyện Định Hóa khi triển khai chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm nghèo bền vững.
Lãnh đạo xã Bình Yên kiểm tra quá trình chăm sóc bò sinh sản sau khi gia đình chị Nông Thị Thảo (xóm Khang Thượng, xã Bình Yên) được nhận hỗ trợ. |
Với phương châm “Cho cần câu, không cho con cá”, việc hỗ trợ trâu, bò giống, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn huyện Định Hóa thời gian qua đã tăng thêm cơ hội cải thiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Thông qua nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo của Trung ương và địa phương, hộ nghèo được cấp trâu, bò giống để phát triển chăn nuôi.
Gia đình chị Nông Thị Thảo, xóm Khang Thượng, xã Bình Yên, thuộc diện hộ nghèo. Bản thân bị bệnh nan y về đường huyết, nuôi con nhỏ đang tuổi đi học, kinh tế hầu như phải dựa vào người thân hỗ trợ. Chị được gia đình chia cho hơn 1 sào đất vườn bãi luân canh trồng ngô và cỏ chăn nuôi. Trước khi nhận hỗ trợ bò giống, chị Thảo đã được cán bộ khuyến nông huyện và Tổ sản xuất cộng đồng của xã tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò sinh sản để cải thiện điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Đến thàng 12-2023, sau khi được cơ quan chức năng phê duyệt hỗ trợ kinh phí mua bò giống, chị Thảo đã tìm đến gia trại chăn nuôi bò tại xã Điềm Mặc để đặt mua con giống khoẻ mạnh và ưng ý nhất. Ngay sau đó, cơ quan chuyên môn của huyện tiến hành xác minh, thẩm định, tiêm phòng dịch bệnh và thanh toán trực tiếp khoản tiền hỗ trợ theo quy định cho chủ gia trại.
Sau 3 tháng chăm sóc, bò khỏe mạnh và đã mang thai, dự kiến cuối năm nay sinh bê con. Chị Thảo xúc động nói: Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, tôi được quyền quyết định lựa chọn vật nuôi và con giống. Cuối năm tôi sẽ có thêm bê con và tiếp tục nhân đàn để bán, tăng thu nhập cho gia đình.
Gia đình ông Phạm Văn Thành, xóm Cầu Đá, xã Trung Lương, là hộ cận nghèo được hỗ trợ mua trâu sinh sản. |
Gia đình ông Phạm Văn Thành, xóm Cầu Đá, xã Trung Lương, thuộc diện hộ cận nghèo cũng được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ mua trâu, bò sinh sản dịp tháng 12-2023. Ông Thành chia sẻ: Tôi đã tìm đến gia trại chăn nuôi trâu có kinh nghiệm nhiều năm ở xã Thanh Định để lựa chọn con giống. Tôi chọn con trâu cái to khỏe về nuôi, giá cao hơn định mức hỗ trợ của Nhà nước, tôi đã dồn thêm số tiền tiết kiệm được của gia đình bù thêm vào để có được con giống chất lượng và có thể lấy được giống ngay, giảm bớt thời gian chăm sóc ban đầu.
Chị Nguyễn Thị Thủy, Trưởng xóm Cầu Đá và cũng là Tổ trưởng Tổ sản xuất cộng đồng, cho biết: Cách làm để hộ dân chủ động tìm con giống đã bảo đảm chất lượng vật nuôi, phát huy được tính chủ động trong phương án tổ chức sản xuất của bà con. Đồng thời phát huy quyền dân chủ của người dân và nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Xóm có 13 hộ được nhận hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo và đều lựa chọn nuôi trâu sinh sản. Tôi cùng cán bộ xã và hộ dân đến tận nơi cung cấp con giống để xác minh, thẩm định, công khai, minh bạch, đánh dấu từng con giống và giao ước bằng biên bản giữa các bên liên quan…
Ông Lưu Hồng Khoa, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Định Hóa: Để bảo đảm minh bạch và phát huy dân chủ trong việc chọn giống trâu, bò khi hỗ trợ người nghèo, huyện tiến hành đấu thầu công khai về giá con giống theo mức quy định. Còn hộ dân thụ hưởng, ngoài việc được tập huấn kỹ thuật, tiêm phòng dịch bệnh vật nuôi sẽ được toàn quyền lựa chọn loại vật nuôi và con giống (trâu, hoặc bò sinh sản). Trường hợp có nhu cầu con giống vượt quá định mức hỗ trợ của Nhà nước thì người thụ hưởng tự bù thêm phần chênh lệch.
Với cách làm này, năm 2022, huyện Định Hóa đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo 141 con trâu, bò sinh sản, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 2,7 tỷ đồng, nhân dân đối ứng trên 315 triệu đồng.
Năm 2023, huyện triển khai hỗ trợ người dân 159 con trâu, bò sinh sản, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 2,7 tỷ đồng, nhân dân đối ứng trên 890 triệu đồng. Qua đó góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện từ 32,23% năm 2022 xuống còn 9,98% năm 2023.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin