Nhà văn hóa đa năng xã Sảng Mộc được xây dựng khang trang nhưng chưa có sân chơi thể thao. |
Xã không chợ
Ngày tôi còn ngồi trên ghế giảng đường, thầy giáo khuyên: Khi các em đến một địa phương nào đó lần đầu, hãy ra chợ. Chỉ có ra chợ, các em sẽ hiểu ngay đời sống của người dân vùng đó thế nào, giàu hay nghèo?
Nhưng lần đầu đến với Sảng Mộc, tôi không thể áp dụng được lời khuyên của thầy bởi xã chưa có chợ. Mọi hoạt động buôn, bán của người dân nơi đây đều phải dịch chuyển xuống chợ Thượng Nung, chợ Nghinh Tường. Chưa có chợ, nên bà con sản xuất chủ yếu theo phương thức tự cung tự cấp. Nếu có chăn nuôi được con gà, con lợn, muốn mang bán cũng “ngại” bởi trừ vào tiền xăng xe, vận chuyển là hết lãi.
Hiểu được tâm lý của bà con, nhiều tư thương tìm đến tận nhà thu mua nhưng lại ép giá. Chính vì vậy, Sảng Mộc có một nghịch lý: Những hộ nghèo, được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi để đầu tư sản xuất nhưng lại không mấy ai mặn mà. Tổng dư nợ của toàn xã hiện mới đạt khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Ma Văn Dưỡng, xóm Nghinh Tác, cho biết: Gia đình tôi có ít ruộng, quanh năm trồng lúa, ngô đủ gạo nấu ngày hai bữa cơm là mừng. Còn khi nào nuôi được con lợn, con gà thì cải thiện bữa ăn thôi. Giờ vay tiền về biết làm gì khi đất đai không có? Đi cả cây số mới có 1 nóc nhà, buôn bán cho ai?
Có lẽ đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ dân ở Sảng Mộc gần như bằng lòng với những gì mình có, bởi “lực bất tòng tâm”. Ở khu vực trung tâm xã chỉ có khoảng chục quán nước nhỏ, bán kèm thêm chút nhu yếu phẩm như muối, mắm, mì chính… Cuộc sống nơi miền sơn cước quả thật mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm bất ngờ bởi sự đơn sơ và thiếu thốn. Chút chạnh lòng xâm lấn trái tim, thương lắm những phận người sống dưới triền núi đá.
50% xóm “lõm” thông tin
Thời gian qua, các nhà mạng Vinaphone, Viettel đã tích cực phối hợp với các địa phương đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông, xóa vùng “lõm sóng” trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm giúp người dân các thôn, bản tiếp cận thông tin, khoa học - kỹ thuật, ứng dụng vào phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trên địa bàn xã Sảng Mộc đã có 2 trạm phát sóng được xây dựng nhưng trên thực tế, mới đảm bảo phủ sóng dịch vụ Internet đến 4/8 xóm, khiến cho người dân các xóm còn lại (Nghinh Tác, Nà Lay, Tân Lập, Khuổi Chạo) khó tiếp cận thông tin nên đời sống vẫn còn nhiều khó khăn và lạc hậu.
Một số người dân ở các xóm trên khi chúng tôi hỏi chuyện đều phàn nàn: Thấy xã có trạm phát sóng, chúng tôi bán con gà, con lợn, dành dụm tiền mua chiếc điện thoại thông minh về dùng nhưng có khác gì cục gạch. Có lúc phải chạy tít lên lưng núi, quay quay, lắc lắc vài cái mới “bắt” được sóng về đến nhà lại tắt ngóm…
Sảng Mộc mới chỉ có 1/4 trường đạt chuẩn Quốc gia nên chưa đạt tiêu chí về trường học. |
Anh Mai Duy Yến, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Với địa hình nhiều núi đá, chia cắt phức tạp, người dân sống lại không tập trung nên việc một số xóm "lõm" sóng điện thoại là khó tránh khỏi. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến công tác thông tin, liên lạc, tuyên truyền các chính sách mới của Đảng và Nhà nước tới người dân; nhất là giúp người dân tiệm cận với khoa học - kỹ thuật, các mô hình làm ăn có hiệu quả để học tập, làm theo… Chúng tôi mong muốn ngành chức năng tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để khắc phục tình trạng này.
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Tuy khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng Sảng Mộc đang cố gắng, nỗ lực từng ngày trên hành trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đạt 10/19 chí nông thôn mới. Những tiêu chí còn lại (gồm: giao thông; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; nhà ở dân cư; thu nhập; nghèo đa chiều; lao động; y tế; môi trường và an toàn thực phẩm) quả là một thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây. Bởi, Sảng Mộc không có những điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, xã hội khi đất sản xuất ít, trình độ dân trí không đồng đều; dân cư phân bố thưa thớt; xã không có cây trồng chủ lực… và những khó khăn khác như nêu ở trên.
Hiện nay, toàn xã có gần 700 hộ dân với khoảng 3.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Dao, Mông…), tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm tới gần 48%. Thu nhập bình quân đầu người mới đạt 18 triệu đồng/người/năm. Các trục đường liên xóm mới đổ bê tông đạt gần 78%, còn đường ngõ xóm mới đạt 20%. Xã có một nhà văn hóa đa năng với quy mô 200 chỗ ngồi nhưng sân thể thao phục vụ văn hóa, thể thao của toàn xã lại chưa đạt yêu cầu. Xã chưa có điểm vui chơi, giải trí, thể thao dành cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định...
Tuy nhiên, các đồng chí lãnh đạo xã xác định: Khó không có nghĩa là không làm, không cố gắng. Họ cùng đoàn kết, nhất trí và hướng tới mục tiêu chung là xây dựng Sảng Mộc đạt chuẩn nông thôn mới dù thời gian có thể phải kéo dài hơn các xã khác trong huyện.
Đồng chí Mai Duy Yến chia sẻ: Chúng tôi đang tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích cây quế và cây cam sành, cam Vinh để trở thành cây kinh tế chủ lực của xã, sau đó sẽ xây dựng một sản phẩm OCOP. Toàn xã hiện có hơn 150ha cây cam; hơn 100ha cây quế. Còn về xây dựng cơ sở vật chất, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và các cấp, ngành chức năng…
Chia tay Sảng Mộc, chúng tôi tạm gác những suy tư để ngắm cảnh đẹp vùng sơn cước trong ráng chiều. Ở đó có những dãy núi đá trùng điệp như bức thành trì vững chắc được phủ xanh bởi cây rừng; có những con người thật thà, chất phác sống trong vô vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng chưa bao giờ từ bỏ ước mơ về một cuộc sống mới, tươi đẹp, đủ đầy hơn…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin