Mệnh lệnh từ trái tim

Lưu Phượng 09:40, 05/05/2024

“Trong lúc đơn vị bước vào chỉnh quân, củng cố quân số, chờ lệnh sẵn sàng chiến đấu, đến gần tối nhận được tin giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ, chúng tôi ôm chặt lấy nhau, hét vang tưởng như đang trong lễ hội” - ông Phạm Quân Hồng, ở phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên) từng trực tiếp tham gia trận đánh đồi D1, D2, 506, 507 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại giây phút lịch sử huy hoàng ấy...

Cựu chiến binh Phạm Quân Hồng, phường Quang Vinh
(TP.Thái Nguyên) luôn tự hào vì mình là chiến sĩ Điện Biên.
Cựu chiến binh Phạm Quân Hồng, phường Quang Vinh (TP.Thái Nguyên) luôn tự hào vì mình là chiến sĩ Điện Biên.

QUYẾT TÂM CHIẾM LĨNH ĐỒI D1

Năm nay đã hơn 90 tuổi, nhưng ông Phạm Quân Hồng vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn. Liên lạc qua điện thoại, chúng tôi nói muốn thăm ông để nghe kể chuyện chiến trường, ông rất vui vẻ, mặc quần áo chỉnh tề tiếp đón.

Rót chén trà mời khách, ông Hồng đưa mắt nhìn xa xăm, hồi tưởng lại thời thanh niên lên đường ra trận. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng với ông mọi chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua, vẫn vẹn nguyên cảm xúc.

Đầu năm 1950, khi vừa 17 tuổi, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 130, Trung Đoàn 209, Sư đoàn 312. Ông kể: Ngày ấy đơn vị tôi đóng quân ở cây số 84, sau di chuyển về suối Tà - Lèng, cách Điện Biên khoảng 25km. Tôi tham gia đánh đợt 2 tại các cứ điểm D1, D2, 506, 507. Gian khổ và nhiều dấu ấn nhất với tôi là đánh trận ở đồi D1. Đây là một trong những cứ điểm quan trọng trong dãy đồi phòng ngự phía Đông của thực dân Pháp, có nhiệm vụ che chở cho trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp bố trí nhiều lớp hàng rào thép gai, gài mìn xen kẽ.

Chiều hôm nhận lệnh xuất kích, trời mưa to xối xả. Mưa khiến sụt lở đất, nước tràn vào hầm trú ẩn. Thế nhưng, cả đơn vị ai nấy đều phấn khởi, chuẩn bị cuốc, xẻng, súng, lựu đạn. Tổ tôi (3 người) được phân công nhiệm vụ cảnh giới và yểm trợ cho một tổ khác mang bộc phá lên đánh mở hàng rào dây thép gai. Thế trận giằng co lên xuống. Dù đã nỗ lực phá được hàng rào, cửa đã mở ra nhưng hoả lực của địch quá mạnh, lại được pháo đồi bên bắn yểm trợ nên nhiều đồng chí trong đơn vị đã bị thương, hy sinh. Chúng tôi được lệnh rút lui về tuyến sau bảo toàn lực lượng. Mọi người cùng rút kinh nghiệm và viết quyết tâm thư phải chiến đấu đến cùng để giải phóng đồi D1.

Nhận lệnh xuất kích lần thứ 2, đơn vị chuyển hướng tiếp cận. Vừa tới chân đồi, chúng tôi men theo giao thông hào, đến lưng chừng đồi thì được pháo binh ta yểm trợ thẳng đỉnh đồi. Quân Pháp trở tay không kịp. Với cách tấn công đánh giáp lá cà, không lâu sau đơn vị đã đánh chiếm đồi D1. Thừa thắng xông lên, chỉ trong thời gian ngắn tiêu diệt gọn quân địch, bắt sống hàng binh, thu hồi vũ khí và giải phóng cả đồi D2.

GÓP SỨC VÀO CHIẾN THẮNG

Nhấp ngụm trà xong, ông Hồng chậm rãi: Ngày đó, ngừng đánh thằng giặc có súng ống, chúng tôi liền bị “thằng giặc” ghẻ lở hắc lào hành hạ do thiếu thốn, vệ sinh không đảm bảo. Đa số anh em trong đơn vị đều bị ngứa ngáy, lở loét. Nhưng lạ thay không ai biết đau là gì, vẫn hồn nhiên vui cười. Tôi nhớ có lần 3 anh em trong tổ đi tắm, do chỉ có 1 bộ quần áo nên chúng tôi phải giặt, phơi quần áo xong mới xuống tắm, đợi khô mới có mặc. Nhưng hôm đó quần áo chưa khô thì đơn vị đã báo động, chúng tôi đành mặc quần đùi chạy về đứng vào hàng quân. Anh em nhìn chúng tôi cười khúc khích. Đại đội trưởng gọi lên đứng trước hàng quân, chúng tôi tưởng bị phê bình nhưng lại được biểu dương vì nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh...

Nói về sức mạnh chiến tranh, ngẫm lại ông càng thấy điều cốt lõi làm nên chiến thắng của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là ở ý chí, tinh thần, tình đoàn kết dưới sự dẫn dắt của Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Trong chiến đấu dù khó khăn gian khổ nhưng người lính luôn được khích lệ, động viên kịp thời. Ông nhớ, cứ bắt đầu mỗi trận đánh thì mỗi người lính lại viết tâm thư với dòng chữ “Quyết tâm chiến đấu” lên mũ; được nhận thư động viên của cấp trên. Mỗi bức thư vừa là mệnh lệnh vừa khuyến khích, động viên người lính chiến đấu đến cùng để giành thắng lợi.

Ông chia sẻ: Chúng tôi tự hào khi được góp phần công sức nhỏ bé của mình trong chiến dịch “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy, càng hạnh phúc hơn, khi được Đảng, Nhà nước các thế hệ luôn trân trọng lịch sử, quan tâm, ghi nhận.

HẾT LÒNG VÌ ĐỒNG ĐỘI

Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Hồng cùng đơn vị về xây dựng doanh trại, phát triển lực lượng tại Thái Nguyên, Bắc Giang và lập gia đình. Đến năm 1968, khi miền Bắc trong đó có Thái Nguyên bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, ông tái ngũ, đóng quân tại Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 304. Ông được giao phụ trách Trung đội bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh và hợp đồng tác chiến với pháo cao xạ 210 khu vực cầu Gia Bẩy. Những năm sau đó ông làm nhiệm vụ rà soát bom mìn trên địa bàn phường mình.

Ở tuổi hơn 90 song ông Phạm Quân Hồng và vợ là bà Hoàng Thị Lới vẫn
khoẻ mạnh, tự chăm lo được cuộc sống của bản thân.
Ở tuổi hơn 90 song ông Phạm Quân Hồng và vợ là bà Hoàng Thị Lới vẫn khoẻ mạnh, tự chăm lo được cuộc sống của bản thân.

Năm 1986, ông đảm nhận vai trò Hội trưởng Hội Cựu quân nhân (sau là Hội Cựu chiến binh). Nhận thấy đời sống hội viên, đồng đội còn khó khăn, không có tiền hay nhà cửa đất đai, ông đã phát động phong trào “Tăng thu nhập” trong Hội. Ngày đó, việc tiếp cận nguồn vốn còn khó, nên ông đã đánh liều mang bìa đỏ của gia đình đi thế chấp ngân hàng được 20 triệu đồng về cho 7 người vay để mua trâu. Từ đó nhiều người vươn lên xây dựng kinh tế ổn định. Còn ông thì vừa tham gia công tác xã hội, làm các công việc về thuế và các hội đoàn thể, vừa phát triển kinh tế, làm việc đêm ngày. Nhờ vậy từ chỗ thiếu ăn, gia đình ông dần đã có của ăn của để.

Đến giờ ông vẫn thấy đó là việc rất đáng làm. Cũng bởi những hành động ý nghĩa đó, ông luôn được mọi người yêu mến, nể trọng.