Là địa phương có gần 30% số dân là người dân tộc thiểu số (DTTS), do đó, nâng cao chất lượng dân số ở vùng khó, vùng đồng bào DTTS luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Dù đang gặp không ít khó khăn nhưng Thái Nguyên vẫn nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên (P.V) Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế.
Cho trẻ bổ sung Vitamin A tại xã Bình Thành (Định Hóa). |
P.V: Ông có thể chia sẻ về những khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dân số ở vùng DTTS của tỉnh?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Hiện nay, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của bà con người DTTS đã được cải thiện. Tuy nhiên, tại một số vùng vẫn còn tồn tại các phong tục, tập quán lạc hậu, trong đó có vấn nạn tảo hôn. Từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên vẫn còn hơn 10 trường hợp tảo hôn. Trẻ được sinh ra ở các cặp vợ chồng chưa đủ tuổi trưởng thành có thể chết non, tỷ lệ tử vong của người mẹ cao… Đáng nói, khi nhận thức của bà con còn hạn chế, việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động gặp không ít trở ngại. Thêm vào đó, nhiều địa bàn, điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, giao thông không thuận lợi, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, chăm sóc con cái. Vì vậy, trẻ em ở các địa bàn miền núi, vùng cao khi sinh ra chưa được quan tâm đúng mức về dinh dưỡng nên có thể ảnh hưởng đến thể chất. Đến nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi thể cân nặng/tuổi ở Thái Nguyên là 8,5%, thể chiều cao/tuổi là 11,9%; tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng thấp dưới 2.500g là 2,5%. Số trẻ suy dinh dưỡng các thể trên địa bàn tỉnh đã giảm so với những năm trước và đa phần là trẻ em ở các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng DTTS của tỉnh.
P.V: Có thể thấy, cán bộ làm công tác dân số ở miền núi, vùng cao của tỉnh khá vất vả. Vậy theo ông, chính sách đãi ngộ hiện có đã đủ khuyến khích họ gắn bó với cơ sở?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Trên thực tế, cán bộ làm công tác dân số ở miền núi, vùng cao, vùng DTTS của tỉnh đang phải làm việc trong điều kiện khá khó khăn. Họ vẫn luôn nhiệt huyết với phần việc được giao. Trong khi đó, chính sách dành cho họ vẫn chưa thật sự tương xứng. Họ rất thiệt thòi khi không được hưởng 100% phụ cấp ưu đãi nghề theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Ngoài ra, năm 2023, Thái Nguyên đã giảm 5 xã đặc biệt khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc cán bộ y tế ở các xã này, trong đó có những cán bộ làm công tác dân số không còn được hưởng phụ cấp khu vực. Bởi lẽ đó, thu nhập của họ sẽ bị giảm đáng kể, đời sống cũng sẽ gặp không ít khó khăn.
P.V: Để nâng cao chất lượng dân số ở vùng DTTS của tỉnh đúng là không hề dễ dàng. Dù vậy, Thái Nguyên vẫn đạt được những kết khả quan. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về nội dung này?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Dù còn không ít trở ngại như vừa nêu trên nhưng với nhiều nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác dân số và mạng lưới cán bộ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, dinh dưỡng của tỉnh, Thái Nguyên vẫn đạt những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, tỷ lệ phụ nữ khám thai ≥4 lần trong 3 thời kỳ đạt xấp xỉ 99%; phụ nữ khi sinh nở được cán bộ có kỹ năng đỡ đạt 100%; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh đã đạt 80,1%; tỷ suất tử vong trẻ em <1 tuổi là 1,5‰ và tỷ suất tử vong trẻ em <5 tuổi là 1,8‰. Không dừng lại ở đó, các hoạt động bổ sung vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ em từ 6-36 tháng tuổi cũng được triển khai thường xuyên. Mỗi năm, Thái Nguyên bổ sung Vitamin A liều cao 2 đợt cho trẻ từ 6-35 tháng tuổi và kết hợp cân đo trẻ dưới 5 tuổi. Đồng thời, tư vấn cho phụ nữ mang thai uống viên sắt/đa vi chất được lồng ghép trong các ngày khám thai, ngày vi chất, ngày tiêm chủng cho trẻ. Nhờ đó, tỷ lệ phụ nữ mang thai trên địa bàn tỉnh được uống viên sắt/đa vi chất luôn đạt trên dưới 99%.
P.V: Theo ông, cần làm gì để chất lượng dân số tại vùng DTTS của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tốt nhất?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vẫn là giải pháp hữu hiệu và lâu dài. Theo đó, các cấp, ngành cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác dân số hằng năm, dưới nhiều hình thức. Cụ thể, tăng cường công tác truyền thông tại các xã có đông đồng bào DTTS có hiện tượng tảo hôn, kinh tế còn khó khăn, điều kiện giao thông không thuận lợi; thúc đẩy sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc trẻ nhỏ trong mỗi gia đình và cả cộng đồng; vận động sự tham gia của các trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo tham gia ủng hộ các hoạt động, các chương trình dân số triển khai tại địa phương… Cùng với đó, Nhà nước, tỉnh nên có sự quan tâm đúng mức, nhất là chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác dân số để họ yên tâm công tác và cống hiến.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin