Là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng và bản sắc văn hóa đặc sắc, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác, phát huy hiệu quả giá trị của hệ thống di tích lịch sử, tài nguyên văn hóa bằng việc đẩy mạnh sự liên kết, kết nối giữa các sản phẩm du lịch trong phạm vi nội vùng và liên vùng. Từ đó, từng bước đưa Thái Nguyên trở thành điểm đến du lịch lịch sử - văn hóa hấp dẫn ở khu vực Việt Bắc.
Cụm di tích Đình đền chùa Cầu Muối (xã Tân Thành, huyện Phú Bình). |
Nhiều tiềm năng, lợi thế khác biệt
Thái Nguyên hiện có trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt (gồm 13 di tích thành phần); 57 di tích cấp quốc gia; 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, Thái Nguyên còn có 550 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu, Nguyên Phó Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội, đánh giá: Hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa của Thái Nguyên là tài nguyên du lịch có giá trị cao, mang tính đặc trưng riêng có. Đây là nguồn lực quan trọng tạo ra thế mạnh và sự khác biệt cho sản phẩm du lịch của Thái Nguyên đối với các địa phương khác trong khu vực.
Xác định rõ tầm quan trọng, giá trị của yếu tố văn hóa - lịch sử đối với phát triển du lịch, những năm gần đây, nhiều tour, tuyến du lịch lịch sử - văn hóa hấp dẫn đã được Thái Nguyên đưa vào khai thác và đem lại sức hút đối với du khách, như: Di tích Lý Nam Đế (TP. Phổ Yên) - Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái - Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) - Đền Đuổm (Phú Lương) - Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (Định Hóa); Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc - Di tích núi Văn, núi Võ - Di tích lịch sử 27/7 (Đại Từ); Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Đại Từ) - Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (Định Hóa); Cụm Di tích Đình đền chùa Cầu Muối (Phú Bình) - Đền Đá Thiên (Đồng Hỷ)…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, du lịch lịch sử - văn hóa của Thái Nguyên vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Quy mô cũng như sức cạnh tranh của loại hình du lịch này chưa cao so với các địa phương khác trong vùng và trong cả nước. Mặc dù, hằng năm, lượng du khách đến với Thái Nguyên đạt khoảng 2,5 triệu lượt người, đem lại doanh thu trên 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng du khách và doanh thu của loại hình du lịch lịch sử - văn hóa vẫn chiếm tỷ lệ thấp hơn so với các loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Trong khi đó, tỷ lệ khách lưu trú tại Thái Nguyên cũng đạt thấp, chỉ chiếm khoảng 38%...
Liên kết vùng - “chìa khóa” để phát triển
Nằm trong vùng Việt Bắc với những nét đặc trưng về lịch sử và văn hóa, Thái Nguyên cũng như các tỉnh trong vùng đều xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, là khâu đột phá để thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương. Trước đây, các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch của những tỉnh trong vùng còn khiêm tốn, chưa tạo được động lực thúc đẩy phát triển du lịch của mỗi địa phương. Cách làm du lịch vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm” khiến cho việc kết nối tour tuyến còn rời rạc; việc hình thành, tạo ra các sản phẩm du lịch mới còn nhạt nhoà, chưa phát huy khai thác được tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Có lẽ, vì thế mà mặc dù sở hữu tài nguyên du lịch lịch sử - văn hóa đặc biệt hấp dẫn nhưng du lịch Thái Nguyên và các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc vẫn chưa hấp dẫn du khách.
Du khách tham quan địa điểm lán Tỉn Keo nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. |
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông được đầu tư, kết nối giữa các địa phương, như: Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Bắc Kạn; Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Quốc lộ 4 Cao Bằng - Lạng Sơn; Quốc lộ 279 Lạng Sơn - Cao Bằng - Bắc Kạn - Tuyên Quang - Hà Giang; Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang… Cùng với đó, các chương trình du lịch như “Qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức luân phiên hàng năm tại các tỉnh; tour du lịch “Một hành trình - Hai điểm đến” cũng như các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch vùng “Chiến khu Việt Bắc” khiến du lịch của vùng ngày càng phát triển khởi sắc và hấp dẫn du khách hơn.
Ông Hoàng Văn Tỉnh, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Với mong muốn được tìm hiểu, khám phá những địa điểm du lịch ở khu vực các tỉnh phía Bắc của Tổ quốc, mùa hè năm nay, gia đình tôi đã quyết định lựa chọn tour du lịch về nguồn, vừa kết hợp tìm hiểu các khu di tích lịch sử, như: ATK Định Hóa của Thái Nguyên, Tân Trào của Tuyên Quang, Pác Bó của Cao Bằng… vừa tìm hiểu thêm về đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Thực sự đây là một chuyến đi rất ý nghĩa và hấp dẫn”.
Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Thời gian tới, cùng với việc chú trọng đầu tư, trùng tu, bảo tồn và nâng tầm các di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh trong vùng Việt Bắc đẩy mạnh các hoạt động liên kết, kết nối, quảng bá và xúc tiến du lịch trong vùng, trong nước và quốc tế. Qua đó, nhằm tăng sức hút đối với loại hình du lịch lịch sử - văn hóa, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn và đặc sắc ở khu vực Việt Bắc.
Với xu hướng phát triển du lịch lịch sử - văn hoá gắn với du lịch xanh nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử và bản sắc văn hóa hiện nay, thì việc đẩy mạnh liên kết, kết nối vùng sẽ là “chìa khóa” để đánh thức tiềm năng du lịch củaThái Nguyên nói riêng và các tỉnh Việt Bắc nói chung.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin