Thời chiến, nhiệm vụ của người lính thông tin không kém phần nguy hiểm, gian nan như các chiến sĩ trực tiếp cầm súng. Ông Vũ Đình Ới (xã Bá Xuyên, TP. Sông Công) đã gan dạ, dũng cảm, mưu trí, khôn khéo để truyền những tin tức, mệnh lệnh, chỉ thị, giúp sức làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ông Vũ Đình Ới cùng con, cháu xem lại Chương trình truyền hình "Điện Biên Phủ - núi vọng sông rền" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, có sự xuất hiện của mình. |
Sinh ra và lớn lên ở Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, mùa Thu năm 1952, chàng thanh niên Vũ Đình Ới xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 12). Với nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh thần cống hiến sục sôi, ông cũng giống như những đồng đội khác đều chung mong muốn được xông pha ra trận. Vượt qua nhiều vòng kiểm tra, ông được chọn đi làm nhiệm vụ tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Dù đã bước sang tuổi 91, mái tóc bạc trắng, bước chân run, những nếp nhăn đã hằn sâu trên gương mặt gầy gò, nhưng ông Ới vẫn minh mẫn. Có lẽ nhiều năm làm lính thông tin giúp ông rèn luyện khả năng ghi nhớ tốt và vẫn còn nhớ như in những ngày “ăn hầm, ngủ hào” trên chiến trường.
Nhấp chén trà nghi ngút khói, trầm ngâm một lúc, ông khẽ cau đôi lông mày điểm bạc để hồi tưởng lại ký ức bom đạn xưa kia. Rồi ông chầm chậm kể: Thời ấy, chiến trường khốc liệt lắm, bom, đạn như mưa, thiết bị không có, lại không được sử dụng văn bản, giấy tờ, nên thông tin hầu hết thực hiện bằng cách truyền miệng. Tôi được giao nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị bằng miệng, nên cần phải tập trung ghi nhớ chính xác từng câu, chữ, không được sai sót. Mỗi khi có nhiệm vụ, tôi phải học thuộc nội dung chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, khi cấp trên kiểm tra chính xác nội dung thì mới bắt đầu truyền tin. Đến nay, tôi vẫn nhớ nhiều mệnh lệnh mình đã truyền khi đó. Nhất là trong trận chiến đánh đồi Him Lam, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ truyền đạt tới đồng chí Nhụy, Chính trị viên Đại đội 3 nội dung: Đại đội 3 ngăn chặn địch tiến lên phía trước và lùi về phía sau.
Tiếp đó, vào 20 giờ ngày 6/5/1954, tôi có nhiêm vụ truyền lệnh của cấp trên tới đồng chí Dương Quốc Long, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, nhanh chóng rời khỏi đồi D1 về chân đồi D2 đào công sự và chờ lệnh. Đồng thời lệnh cho toàn đơn vị sẵn sàng tổng công kích trận đánh cuối cùng ở Điện Biên Phủ khi có tiếng bộc phá nổ.
Cũng trong chiều tối ngày hôm đó, tôi được đồng chí bí thư chi bộ thông báo rằng mình được Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 209 ký quyết định kết nạp Đảng. Nhưng do điều kiện chiến tranh, mãi đến tháng 10-1954, tôi mới được tổ chức Lễ kết nạp...
Trên chiến trường, mặc dù điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề, bàn ghế tự ghép thân tre, nứa mà thành, bó hoa cắm được đồng đội hái trên rừng Tây Bắc... nhưng Lễ kết nạp Đảng cho ông Ới vẫn diễn ra trang trọng, đúng các bước, thủ tục theo quy định và cực kỳ xúc động.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ông Ới được phong quân hàm Thiếu úy, quyền Đại đội trưởng Đại hội 3, Tiểu đoàn 154, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Đến năm 1967, ông được điều động biệt phái làm giảng viên Phòng Quân sự - Thể dục, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Trong quá trình công tác, ông Vũ Đình Ới được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huy chương Chiến thắng hạng Ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 1 Huy chương Hữu nghị…
Năm 1979, ông nghỉ hưu trở về sinh sống tại xã Bình Sơn, TP. Sông Công, vui tuổi già cùng con cháu. Với tinh thần, tác phong của người lính, ông luôn sống gương mẫu, chan hòa, tạo được tình cảm và sự kính trọng, yêu quý của bà con địa phương. Đồng thời tích cực cùng với các đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục con, cháu tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin