Với trên 1,3 triệu dân cùng nhiều trường đại học, khu công nghiệp, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiêu thụ lượng lớn sản phẩm động vật (trung bình toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 1.500 con lợn và 2.000 con gia cầm mỗi ngày). Trong khi đó, số lợn được kiểm soát tại các cơ sở giết mổ theo quy định chỉ đạt 3%, gà là 38%. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng và người dân để công tác kiểm soát giết mổ (KSGM) được thực hiện hiệu quả, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 siêu thị kinh doanh sản phẩm thịt động vật có dấu kiểm soát giết mổ. Trong ảnh: Khu vực kinh doanh thịt động vật tại Siêu thị Minh Cầu (TP. Thái Nguyên). |
Một trong những “dấu hiệu” khẳng định sản phẩm thịt gia súc, gia cầm kinh doanh tại chợ có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm tra thú ý, bảo đảm ATTP khi đến tay người tiêu dùng là có đóng dấu kiểm soát giết mổ (KSGM) của lực lượng Thú y. Tuy nhiên, tại Thái Nguyên chỉ có các siêu thị quan tâm đến vấn đề này (trên địa bàn tỉnh đang có 12 siêu thị kinh doanh sản phẩm động vật có dấu KSGM), còn lại phần lớn lượng thịt gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường chưa được kiểm tra thú y nhưng vẫn được bày bán công khai.
Minh chứng rõ nét nhất chính là trên địa bàn tỉnh có 140 chợ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm thì chỉ có 16 chợ thực hiện được quy định bắt buộc đối với sản phẩm động vật kinh doanh phải có dấu KSGM (gồm 12 chợ trên địa bàn TP. Thái Nguyên, 2 chợ ở TP. Sông Công, 1 chợ tại TP. Phổ Yên và 1 chợ tại Đại Từ). Tuy nhiên, số lượng quầy kinh doanh sản phẩm động vật có dấu KSGM còn chiếm tỷ lệ thấp.
Nhằm tăng cường công tác KSGM, cũng như để các hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại các chợ thực hiện quy định bắt buộc đối với sản phẩm động vật kinh doanh tại chợ phải có dấu KSGM, lực lượng chức năng của tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, huyện, tổ công tác thực hiện việc kiểm tra tại các cơ sở, điểm, hộ giết mổ, các cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ, siêu thị.
Cùng với đó là tăng cường quản lý việc sử dụng sản phẩm động vật làm suất ăn tại các bếp tập thể, bán trú được quan tâm. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết: Việc kiểm soát thực phẩm đầu vào tại các bếp ăn cũng góp phần nâng cao ý thức của đơn vị cung cấp thực phẩm, bắt buộc nhà cung cấp phải tiêu thụ các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm tra thú y.
Cũng nhờ sự tích cực này mà hiện nay 193 trường học có bếp ăn hoặc tổ chức nấu ăn bán trú trên địa bàn tỉnh đã chấp hành tốt việc sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng, qua kiểm tra thú y theo quy định.
Tuy nhiên, để các sản phẩm động vật khi đưa ra thị trường, bày bán tại các chợ được đóng dấu KSGM, cùng với sự nỗ lực của lực lượng thú y, các địa phương, ban quản lý các chợ cũng phải vào cuộc rất tích cực. Đặc biệt là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người kinh doanh về các quy định bắt buộc đối với việc KSGM. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình kiểm tra tại các quầy mua bán sản phẩm thịt, chế biến từ thịt động vật; nhắc nhở tiểu thương tuân thủ đúng quy định trong kinh doanh, mua bán thịt tươi sống.
Sản phẩm động vật bán tại chợ phải đảm bảo tươi, sạch, không sử dụng hóa chất, phẩm màu, hàn the và hóa chất công nghiệp khác. Nhất là yêu cầu các loại thịt gia súc, gia cầm phải đóng dấu KSGM mới được bày bán tại chợ. Những trường hợp chưa chấp hành phải bị xử lý nghiêm để răn đe.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, việc nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm tra thú ý cũng rất cần được quan tâm. Theo đó, mỗi người hãy là nhà tiêu dùng thông thái, chủ động lựa chọn những nơi kinh doanh thịt động vật có đóng dấu KSGM để được sử dụng sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin