Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi 60 năm qua và mãi mãi đã hóa thân vào quê hương, xứ sở qua tên đường, tên trường và tấm gương “Sống như anh”…
Anh Nguyễn Văn Trỗi và vợ (Ảnh tư liệu). |
Ký ức một thời chưa xa
Với thế hệ chúng tôi, đó là những năm tháng đầu đời rất đáng nhớ - Những năm sáu mươi của thế kỷ XX.
Miền Nam sục sôi căm hờn tội ác của Mỹ Diệm, Mỹ Khánh. Và, đang đồng khởi vùng lên với ý chí “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Những hào khí “Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng/ vùng lên xông pha vượt qua bão bùng/ Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh đến cùng/ Cầm gươm, ôm súng xông tới"… Chiến thắng nối tiếp chiến thắng. Những Đồng khởi ở Bến Tre; Bình Giã; Chiến thắng lớn đánh bại Chiến tranh đặc biệt làm nức lòng đồng bào hai miền Nam - Bắc. Thất bại trên chiến trường miền Nam, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, cho không quân điên cuồng đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn ý chí thống nhất hai miền của chúng ta.
Rồi một sự kiện chấn động mùa Thu năm đó. Mỹ lật lọng xử bắn biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi vào 9h30 phút ngày 15/10/1964. Lúc bấy giờ để có tin tức khó lắm. Tất cả chỉ trông vào thông tin của Đài Tiếng nói Việt Nam mà người dân thường đồng bằng Bắc Bộ chúng tôi nghe qua chiếc đài bán dẫn… Nhưng qua đó, chúng tôi thấy dấy lên một làn sóng phẫn nộ, căm thù giặc chưa từng có trong dân ta, trong loài người tiến bộ trên thế giới. Qua đài, nhiều lúc là tiếng, giọng địa phương nên có bản tin nêu anh Nguyễn Văn Trôi, có bài thơ gọi anh Nguyễn Văn Trổi… rồi sau đều là anh Nguyễn Văn Trỗi…
Anh thợ điện Nguyễn Văn Trỗi sinh ra và lớn lên tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Là con thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo. Giặc Pháp đã giết hại mẹ anh khi anh mới ba tuổi, anh sống nhờ bác và anh chị họ. Năm 15,16 tuổi, anh vào Sài Gòn làm việc kiếm sống. Anh từng đạp xích lô, sau đó xin học nghề thợ điện và nhanh chóng trở thành một thợ điện giỏi. Anh làm việc tại xưởng Ngọc Anh, với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, anh được Đảng giác ngộ và được tổ chức vào Đoàn Thanh niên, anh trở thành chiến sĩ biệt động 65, thuộc Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn, quân khu Sài Gòn - Gia Định.
Năm 1964, anh được tập huấn cách đánh biệt động nội thành ở căn cứ Rừng Thơm, Đức Hòa (Long An). Anh quen chị Phan Thị Quyên qua một người bạn của chị cùng làm ở hãng Bông Gòn Bạch Tuyết, hai người yêu nhau hơn một năm rồi tổ chức đám cưới ngày 21/4/1964. Ngày 2/5/1964, anh nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Chính phủ Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu.
Giữa lúc đang tiến hành nhiệm vụ thì anh không may bị địch bắt vào lúc 22 giờ ngày 9/5/1964. Trong lao tù, mặc dù chịu rất nhiều đòn tra tấn, cực hình dã man cùng với những cám dỗ ngon ngọt của kẻ thù nhưng anh Nguyễn Văn Trỗi vẫn một mực không khai báo, một lòng trung thành với Đảng, với tổ chức và lý tưởng mà anh đã chọn. Để cứu anh, một tổ chức du kích ở Thủ đô Ca ra cát của Venezuela đòi trao đổi anh với Đại tá Không quân Mỹ là Michael Smolen vừa bị tổ chức du kích này bắt cóc, và tuyên bố “Nếu ở Việt Nam xử bắn Nguyễn Văn Trỗi thì ở Venezuela một giờ sau họ sẽ xử bắn Đại tá Smolen”.
Tuy nhiên, khi Michael Smolen vừa được tự do, Tòa án quân sự của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi lúc 9 giờ 45 phút ngày 15/10/1964 tại vườn rau nhà lao Chí Hòa - Sài Gòn. Khi ra pháp trường anh rất bình thản, trước đông đảo các nhà báo trong và ngoài nước, anh đã vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ. Khi địch bịt mắt, anh liền giật ra và nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi”. Trước khi chết anh còn hô vang “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Câu “Hồ Chí Minh muôn năm!’” được anh hô đến ba lần. Tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng của anh Trỗi tại pháp trường đã trở thành biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ. Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta đã ghi trên tấm ảnh của anh Trỗi: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.
“Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra…”
(Tố Hữu)
Tấm gương hy sinh anh dũng của anh Trỗi còn được nhân dân thế giới biết đến và trở thành hiệu ứng rộng lớn mà 60 năm rồi tôi còn nhớ hào khí những năm tháng đó…
Câu chuyện của nhà văn Trần Đình Vân về cuốn “Sống như anh”
Trong tác nghiệp báo chí, tôi cũng đã vài lần (2 lần đến chơi nhà ông ở số 8, phố Lý Thường Kiệt và một lần dự tọa đàm tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam) gặp nhà báo Thái Duy - Trần Đình Vân, tác giả “Sống như anh” một thời vang tiếng - một câu chuyện cảm động về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, nhưng ít khi tôi được trò chuyện với nhà báo gạo cội này...
… Ngày 5/7/2019, chị Phan Thị Quyên, vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi mất, lại tròn 55 năm anh Trỗi hy sinh, tôi đến thăm nhà báo Thái Duy - Trần Đình Vân (tên thật Trần Duy Tấn), người đã giúp cho chúng ta hiểu thêm về gương hy sinh, phẩm chất cao đẹp của tuổi trẻ qua văn học, báo chí. Tác phẩm "Sống như anh" là cẩm nang gối đầu giường. Cũng như "Đất nước đứng lên", "Hòn Đất", "Một chuyện chép ở bệnh viện", "Gia đình má Bẩy", "Người mẹ cầm súng"... "Sống như anh" như lời non sông thúc giục lớp lớp người ra trận, đánh đuổi quân thù, giải phóng quê hương.
Ông tâm sự: Năm 1964, ông là phóng viên của Báo Giải Phóng, Cơ quan của Ủy ban Mặt trận Giải phóng miền Nam, Tòa soạn đóng ở Tây Ninh. Sau khi anh Trỗi hy sinh, báo chí chế độ Sài Gòn đưa tin dồn dập về sự kiện này. Lúc đó, Trần Đình Vân đang công tác ở Long An, chỉ cách Sài Gòn 30 cây số. Qua đó, chúng tôi biết sâu hơn về trận đánh không thành tại cầu Công Lý.
Là nhà báo chiến trường, khi nghe câu chuyện, ông và các đồng nghiệp đều nghĩ sẽ phải làm việc gì đó để tôn vinh sự quả cảm của anh Trỗi. Tiếp đó, Trần Đình Vân được biết chị Phan Thị Quyên, vợ Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã được các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đưa về căn cứ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam và dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam, tiếp cận, ban đầu tôi viết bài báo có tiêu đề: "Những lần gặp gỡ cuối cùng của chị Quyên và anh Trỗi", đăng trên Báo Giải Phóng. Nhưng sau đó, nhà báo Thái Duy nhận được chỉ thị cần phải có quyển sách về anh Trỗi, nên ông quyết định đi Củ Chi gặp các đồng chí cùng hoạt động, cùng ở tù với anh Trỗi để có thêm tư liệu... Viết xong cuốn sách có tên "Những lần gặp gỡ cuối cùng", cơ quan nhờ một phóng viên Liên Xô chuyển ra Hà Nội qua đường hàng không Cam Pu Chia...
Nhà báo Thái Duy nhớ lại: Sau này tôi mới biết các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm đến cuốn sách. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt lại tên cho cuốn sách là "Sống như anh". Bác Hồ viết lời tựa cuốn sách. Chỉ khoảng 1 tháng sau khi gửi, anh em chúng tôi ở chiến trường đã được nghe đọc "Sống như anh" qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam...
Năm 1966, nhà báo Thái Duy được điều động ra Bắc công tác. Với chị Quyên, nhà báo còn gặp vài lần. Một ngày sau giải phóng, ngày 1/5/1975, nhà báo, nhà văn Thái Duy tìm đến và viếng mộ anh Trỗi tại quê ngoại của anh...
Theo quy luật, ngót trăm tuổi, nhà văn Thái Duy - Trần Đình Vân cũng đã trở thành người thiên cổ. Nhưng ông chính là người nêu cao tấm gương đạo đức và phong cách tận hiến của người làm báo, người làm văn nghệ cách mạng. Còn Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi 60 năm qua và mãi mãi đã hóa thân vào quê hương, xứ sở qua tên đường, tên trường và tấm gương “Sống như anh”…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin