Bên cạnh các chính sách đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Đồng Hỷ đã đẩy mạnh công tác giảm nghèo thông qua phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX). Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ giống, vốn, tập huấn kỹ thuật sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
HTX bò Mông số 11, xã Văn Lăng, được thành lập từ năm 2019 với 8 thành viên. Trước đây, HTX chủ yếu chăn nuôi bò kết hợp với trồng chè. Từ năm 2022, HTX mở rộng thêm một số ngành nghề chăn nuôi như: Nuôi gà thả đồi, chim cút, lợn rừng và trùn quế.
Thành viên HTX bò Mông số 11 chăm sóc bò 3B thương phẩm. |
Bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX, cho biết: HTX có tổng diện tích trên 5ha, trong đó gồm khu chăn nuôi, khu du lịch trải nghiệm và khu vườn đồi. Tháng 9-2022, thông qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, HTX được hỗ trợ cho vay bò giống qua hình thức kết nối giữa HTX và các thành viên liên kết là hộ nghèo. Tổng số bò được hỗ trợ cho vay là 50 con, trong đó có 25 con bò cái nền sinh sản và 25 con bò 3B thương phẩm, trị giá 1 tỷ đồng.
Sau khi được hỗ trợ cho vay con giống, HTX đã liên kết và thu hút khoảng 25 thành viên là các hộ nghèo, chăm sóc và cung cấp cỏ cho đàn bò. Lao động làm việc tại HTX sẽ được trả công theo ngày ở mức 200.000 đồng/người. Đồng thời, những hộ nghèo sẽ cung ứng cỏ cho HTX để làm nguồn thức ăn cho bò.
Từ 50 con bò được hỗ trợ vay ban đầu, trên cơ sở đàn bò sau khi sinh sản, HTX sẽ chia cho 25 hộ nghèo là thành viên tham gia, mỗi hộ một con bê để phát triển sản xuất. Đây là cách tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho hộ nghèo ngay từ ban đầu.
Bà Trần Thị Thái, thành viên HTX bò Mông số 11, chia sẻ: Công việc hiện nay của tôi là trồng cỏ cung ứng cho HTX và chăm sóc đàn bò. Hiện gia đình tôi có hơn 4 sào cỏ voi bán cho HTX với giá 8.000 đồng/kg. Từ khi tham gia HTX, điều kiện kinh tế của gia đình được nâng lên rõ rệt vì có thêm nguồn thu nhập ổn định. Nếu làm đủ ngày công, trung bình mỗi tháng tôi thu nhập 6 triệu đồng.
Ngoài tham gia lao động, bà Thái còn giới thiệu cho nhiều bà con tại địa phương có việc làm tại HTX, trong đó ưu tiên những lao động thuộc hộ nghèo…
Không chỉ về chăn nuôi, nhiều địa phương ở huyện Đồng Hỷ còn hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số phát triển các mô hình trồng trọt, đem lại hiệu quả cao. Xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, có 110 hộ đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao sinh sống. Từ năm 2018, xã triển khai đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh, đời sống người dân đã có nhiều đổi mới.
Theo đó, các hộ được Đề án hỗ trợ trồng 3ha na dai và hướng dẫn cách chăm sóc, do đó cây phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng quả đảm bảo nên giá bán luôn đạt 20.000 đồng/kg trở lên. Từ kết quả này, bà con Trung Sơn đã mở dần diện tích trồng na lên 38ha. Đến vụ thu hoạch, thương lái đến mua ngay tại vườn, nâng cao nguồn thu nhập cho người dân xã Quang Sơn, đồng thời hình thành chuỗi liên kết tổ hợp tác trồng na và gắn kết thị trường ổn định.
Qua rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, Đồng Hỷ hiện còn 2.396 hộ nghèo, chiếm 9,81% và 1.575 hộ cận nghèo chiếm 6,45%.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin