Trong những năm qua, các cấp, ngành của huyện Định Hóa luôn quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Điều này được thể hiện ở việc vận dụng có hiệu quả nhiều chính sách của Nhà nước, như: Chính sách đất đai, tín dụng nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và đa dạng hóa sản phẩm, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Hợp tác xã Dịch vụ nông sản Phú Đạt, xã Sơn Phú, giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ tại địa phương. |
Đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, tạo điều kiện giới thiệu việc làm cho người lao động là hoạt động được huyện Định Hóa luôn chú trọng. Theo đó, huyện đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tuyển dụng lao động trong nước để tuyển chọn lao động trên địa bàn huyện; tổ chức Ngày hội việc làm; các phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn… Đồng thời vận dụng thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách của Nhà nước, huy động, tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm.
Theo đó, hằng năm, trên địa bàn huyện có trên 2.000 lao động được tạo việc làm mới, trên 100 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Song song với đó, huyện Định Hóa cũng đã vận dụng hiệu quả Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định chính sách tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm để cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; thực hiện cho vay với lãi suất thấp nhằm tạo việc làm mới, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.
Mỗi năm, có trên 100 dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm được phê duyệt. Nhờ nguồn vốn ưu đãi đó, lao động nông thôn có thể mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, tạo việc làm cho bản thân và giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác trong gia đình, cộng đồng.
Chị Ma Thị Sao, xóm Túc Duyên, xã Quy Kỳ, nói: Gia đình tôi đã thoát nghèo cũng nhờ được vay nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Với nguồn vốn vay ban đầu 8 triệu đồng vào năm 2007, tôi đầu tư phát triển chăn nuôi dê sinh sản. Tiếp đó, năm 2017, được vay thêm 100 triệu đồng, tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thêm giống lợn rừng. Đến nay, đàn lợn rừng của gia đình tôi lúc nào cũng từ 100 con trở lên, có thời điểm lên đến trên 200 con cả lợn giống và lợn thương phẩm.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình chị Ma Thị Sao ở xã Quy Kỳ phát triển chăn nuôi lợn rừng cho thu nhập cao. |
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có việc làm, huyện cũng đã huy động, tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đưa các loại cây trồng và vật nuôi mới vào sản xuất; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã gắn với xây dựng các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP.
Cùng với làm tốt các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện cũng đã đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng được một phần nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo.
Đồng chí Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, cho biết: Huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, kèm theo đó là hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới gần 30%, do đó giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, đặc biệt lao động người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Định Hóa sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư để vừa phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, vừa tạo ra việc làm cho người lao động. Dự kiến giữa năm 2023, cụm Công nghiệp Tân Dương đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin