Nhờ thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai đã tăng từ 12,5% (năm 2011) lên 38,15% (năm 2023). Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người lao động.
Lao động đã qua đào tạo tham gia sản xuất hàng may mặc tại Hợp tác xã Phú Cường (thị trấn Đình Cả). |
Bà Mông Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Võ Nhai, cho biết: Hàng năm, chúng tôi tham mưu với UBND huyện và triển khai kịp thời, thường xuyên việc khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Từ đó đề xuất kế hoạch công tác đào tạo nghề đúng với nhu cầu, ngành nghề thế mạnh của địa phương và phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, các cơ sở dạy nghề hoạt động trên địa bàn huyện Võ Nhai cũng được định hướng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương. Huyện thường xuyên đổi mới chương trình giảng dạy, giáo trình đào tạo, “chuẩn đầu ra”; chương trình theo khung giáo dục nghề nghiệp, giáo trình chung và chương trình chuyên ngành đào tạo theo đơn đặt hàng của đơn vị sử dụng lao động.
Theo ông Hà Việt Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Võ Nhai: Chúng tôi đa dạng hóa các hình thức đào tạo. Bên cạnh đào tạo tập trung, Trung tâm tổ chức các lớp dạy nghề lưu động tại xã, xóm… Lao động nông thôn tham gia học nghề được trang bị đầy đủ kiến thức theo ngành nghề đào tạo; được trực tiếp thực hành, thực tế vận dụng vào sản xuất; được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Riêng năm 2022, Trung tâm đã đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề thường xuyên cho 275 lao động nông thôn trên địa bàn.
Từ những giải pháp đồng bộ, thiết thực, những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có những chuyển biến tích cực, số lao động được học nghề ngày càng tăng. Nhiều lao động sau khi học nghề đã có việc làm ổn định, phù hợp với năng lực, sở thích và ngành nghề đào tạo. Qua đó, hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ có hiệu quả, giúp bà con tăng thu nhập, thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, huyện Võ Nhai đã tổ chức 56 lớp dạy nghề cho gần 1.700 lao động nông thôn, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Các ngành nghề chính được tổ chức đào tạo gồm: trồng rừng kinh tế; chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò; sửa chữa máy nông nghiệp; trồng rau an toàn; may công nghiệp; sử dụng thuốc thú y… Sau đào tạo, có trên 90% số học viên có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất - kinh doanh tại địa phương, gia đình.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Tô Thúy, ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng, nói: Sau khi được tham gia khóa học nghề may công nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp tổ chức vào năm 2018, tôi đã tìm được việc làm phù hợp tại Chi nhánh May Võ Nhai, thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, với mức lương trên 6 triệu đồng/tháng.
Trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có gần 53.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó, trên 45.600 người tham gia các hoạt động kinh tế trên địa bàn. Tính đến hết tháng 3/2023, toàn huyện có trên 27.100 lao động đã qua đào tạo, trong đó có 17.400 lao động được cấp văn bằng, chứng chỉ (chiếm tỷ lệ 38,15% tổng số lao động tham gia các hoạt động kinh tế trên địa bàn và tăng 25,65% so với năm 2011). Theo khảo sát, đến năm 2025, trên địa bàn huyện có khoảng 5.000 người có nhu cầu học nghề.
Bà Mông Thị Tuyết Nhung cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện đổi mới công tác tuyên truyền; phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT; tiếp tục khảo sát, tổng hợp nhu cầu đào tạo các nghề; tăng cường phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động... Từ đó đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin