Hỗ trợ, tạo việc làm bền vững là một trong những giải pháp quan trọng và lâu dài giúp người nghèo thay đổi tư duy, nâng cao năng lực phát triển kinh tế, tự tạo lập cuộc sống ổn định. Đặc biệt, thông qua các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề, nhiều lao động nghèo trên địa bàn tỉnh đã có việc làm với mức thu nhập ổn định.
Cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật chia sẻ kinh nghiệm dạy thực hành nghề. |
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, ngày 27/4/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND. Mục tiêu của Kế hoạch là tập trung thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều Quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Theo Kế hoạch: 100% người lao động (NLĐ) thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được tư vấn việc làm, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm và được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chuyên môn thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức thu thập, tổng hợp thông tin cung - cầu lao động tại 9 huyện, thành phố. Qua đó ghi nhận hơn 4.000 NLĐ có nhu cầu tìm kiếm việc làm; tổ chức thu thập thông tin tại 350 doanh nghiệp, có nhu cầu tuyển dụng 20 vị trí việc làm, với hơn 20.000 chỉ tiêu tuyển dụng.
Đáng quan tâm là có hơn 18.000 lượt người được tư vấn chính sách pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp; hơn 3.000 người được giới thiệu việc làm; gần 1.000 người được kết nối, giới thiệu việc làm thành công.
Qua khảo sát thực tế, 100% NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NLĐ có thu nhập thấp đều có nhu cầu được hỗ trợ, đào tạo kỹ năng nghề.
Đáp ứng nhu cầu này, tỉnh Thái Nguyên đã dành nhiều sự quan tâm thông qua công tác tuyển sinh và dạy nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, giúp NLĐ, nhất là NLĐ thuộc hộ nghèo có thêm cơ hội tiếp cận công việc phù hợp với khả năng của bản thân, tạo thu nhập cho gia đình. Từ đó, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề nghiệp cho 5.500 người. Trong đó có 200 người trình độ cao đẳng; 800 người trình độ trung cấp, sơ cấp và 4.500 người đào tạo thường xuyên.
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 được triển khai với các nội dung cụ thể, như: xây dựng dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu; cập nhật dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công, giúp NLĐ, đặc biệt là NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn có cơ hội vươn lên, ổn định cuộc sống. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin