Gỡ khó trong tuyển sinh đào tạo nghề

Cao Nguyên 09:55, 09/08/2023

Đào tạo nghề (ĐTN) ngoài mục đích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn giúp người lao động tự tạo được việc làm mới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng thực tế công tác tuyển sinh ĐTN tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đang gặp khó, cần tháo gỡ.

Việc liên kết đào tạo nghề giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tạo cho học viên được tiếp cận với máy móc công nghệ mới (ảnh chụp tại Công ty TNHH MTV Vạn Xuân, TP. Sông Công).

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và xã hội (TB&XH): Giai đoạn từ năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho gần 83.000 người, trong đó gần 37.000 người năm 2021; gần 39.000 người năm 2022.

Theo kế hoạch năm 2023: Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyển 40.000 chỉ tiêu, trong đó trình độ cao đẳng 3.000 chỉ tiêu, trình độ trung cấp 11.000 chỉ tiêu, trình độ sơ cấp 15.500 chỉ tiêu và 10.500 chỉ tiêu đào tạo thường xuyên, nhưng đến hết tháng 6 mới tuyển được hơn 7.000 chỉ tiêu, đạt 17,5%.

Theo đó, từ nay đến cuối năm các cơ sở GDNN cần thực hiện chiêu sinh gần 30.000 chỉ tiêu cho các hệ ĐTN. Một nhiệm vụ không dễ khi thực tế có nhiều lao động sau học nghề lại không kiếm sống được bằng nghề mình học.

Đặc biệt, tại tỉnh đang diễn ra một nghịch lý là càng có nhiều doanh nghiệp hoạt động, các cơ sở GDNN càng gặp khó trong công tác tuyển sinh. Nguyên nhân khó khăn rất rõ: Hầu hết các nghề được đào tạo tại cơ sở GDNN không phù hợp với cơ sở sản xuất, hoặc chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nên phải đào tạo lại.

Đáng lý các cơ sở GDNN của tỉnh sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để cung cấp cho các doanh nghiệp. Nhưng vì hiệu quả ĐTN hạn chế, việc đào tạo dàn trải, cùng với đó là hầu hết các cơ sở GDNN hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết vị phục vụ giảng dạy, thiết bị máy móc thực hành không đồng bộ, dẫn đến chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Để gỡ khó trong tuyển sinh ĐTN, những năm gần đây các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực vào cuộc, trực tiếp là Sở Lao động - TB&XH đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác GDNN; Kế hoạch phát triển GDNN; Chương trình tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở GDNN; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, các cơ sở GDNN xây dựng được định hướng ĐTN sát hơn với nhu cầu của thị trường lao động.

Nhằm ĐTN đáp ứng nhu cầu xã hội, hằng năm Sở Lao động - TB&XH tổ chức các hội nghị về giáo dục chính trị, tư tưởng; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia công tác ĐTN trong các cơ sở GDNN.

Thông qua đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực dạy nghề, nên chất lượng, hiệu quả ĐTN được cải thiện.

Trong 2 năm gần đây, các cơ sở GDNN đã cử 261cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, trong đó 180 người tham gia lớp bồi dưỡng chính trị hè; 81 người tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý.

Theo chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Lao động - TB&XH: Các cơ sở GDNN chủ động tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; đào tạo thường xuyên phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Sở cũng khuyến khích các cơ sở GDNN chủ động đa dạng hóa chương trình đào tạo theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, hình thành năng lực cho người học.

Bản thân các cơ sở GDNN đang từng bước thay đổi tư duy đào tạo, chủ động phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án đào tạo, tổ chức đào tạo theo “đơn đặt hàng”.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã “mở cửa” cho học sinh đang theo học tại các cơ sở GDNN đến thực tập, tạo thuận lợi cho người học nghề được tiếp xúc với công nghệ sản xuất mới, tiên tiến. Trong trường hợp được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc, họ có thể đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm mà không phải đào tạo lại.

Để gỡ khó trong tuyển sinh đào tạo nghề, các cơ sở GDNN tích cực chuyển đổi, chủ động tìm nguồn tuyển sinh để ĐTN, lấy người học làm trung tâm đào tạo; tăng cường ĐTN theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp.