“Ngọn đuốc” soi sáng bản Mông

Thu Nga 10:48, 22/03/2023

Từ nhỏ đã phải đeo gùi trên lưng đi khắp các đỉnh núi cao ở Mỏ Ba, nơi có những “cổng trời” mờ sương nhìn xuống đáy vực sâu hun hút để kiếm cái ăn, anh Trần Văn Hồng (sinh năm 1991), dân tộc Mông, giáo viên Điểm trường Sa Lung thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Long (Đồng Hỷ), thấu hiểu đồng bào mình cần con chữ đến thế nào. Điều đó thôi thúc anh đến với nghề dạy học, cống hiến cho sự nghiệp trồng người tại mảnh đất quê hương.

 

Vào một ngày tháng 3, trong tiết trời ấm áp, tiếng nô đùa vang lên giữa không gian im ắng của núi rừng, chúng tôi gặp thầy giáo Trần Văn Hồng tại Điểm trường Sa Lung thuộc xóm Đồng Mây, xã Tân Long (Đồng Hỷ).

Ở Mỏ Ba, anh Hồng là một trong số rất ít người học hết THPT. Sinh ra, lớn lên trong đói nghèo, anh quyết tâm theo đuổi nghề giáo. Năm 2012, anh thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Cùng với nỗi nhớ khi xa nhà và việc không đủ tiền để trang trải, đã nhiều lần anh có ý nghĩ bỏ học, nhưng rồi anh đã tiếp tục cố gắng vượt qua. Ngoài thời gian học ở trường, anh tranh thủ kiếm việc làm thêm. Từ đó mà biệt danh Hồng “xe ôm”, Hồng “sửa điện” cũng xuất hiện và những công việc này giúp anh trang trải cuộc sống sinh viên của mình.

Năm 2017, chàng sinh viên dân tộc Mông tự hào cầm tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi trên tay, mạnh dạn viết đơn xin được trở lại quê hương dạy học. Về Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Long (Đồng Hỷ), anh được phân công dạy bộ môn Địa lý tại Điểm trường Sa Lung, nơi toàn bộ hơn 130 học sinh là người dân tộc thiểu số, trong đó đa số là dân tộc Mông thuộc 5 xóm: Lân Quan, Hồng Phong, Làng Giềng, Đồng Mây, Đồng Luông.

Ít ai hiểu học sinh người Mông như anh, vì chính anh cũng từng là đứa trẻ như thế. Anh bảo: Người Mông với núi rừng, hoàn cảnh sống cơ cực, khó khăn, biệt lập, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế kéo theo đói nghèo, trẻ em trong độ tuổi không được đến trường, tảo hôn, sinh đẻ quá dày… Ăn còn chưa đủ no nói gì chuyện học. Thế nên việc học sinh bỏ học giữa chừng là chuyện thường xuyên.

Anh nhớ lại lần đi vận động em Đào Thị Kia, tại xóm Mỏ Ba. Anh cùng các cô giáo đến nhà học sinh đúng hôm trời mưa to gió lớn, con đường tựa vào lưng núi khiến mọi người nhiều lần ngã xe dúi dụi, phải lội bộ mới tới nơi. Anh chia sẻ: Người Mông chân tình, mộc mạc là thế, nói gì cũng phải có lý có tình. Mình phải hết sức mềm mỏng, phân tích những lợi ích giáo dục đối với con em của họ sau này. Chia sẻ với họ câu chuyện của bản thân, mình từng nghèo đói thế nhưng đã cố gắng vượt lên để có cuộc sống tốt hơn. Sau khi anh và các đồng nghiệp vận động, gia đình đã cho con trở lại trường.

Đối với công việc chuyên môn, anh Hồng cho biết: Bản thân sống ở vùng núi, có lợi thế hiểu biết về thiên nhiên, địa hình núi rừng nên trong quá trình giảng dạy tôi truyền đạt cho các em theo cách dễ hiểu nhất. Trong các tiết học, tôi cũng tận dụng mạng Internet, màn hình chiếu để bài giảng thêm phong phú, sinh động hơn. Học sinh vùng cao phần lớn thường ngại giao tiếp vì thế tôi vừa dạy kiến thức, vừa lồng ghép kinh nghiệm bản thân vào đó để dạy các em nếp nghĩ, nếp sống mới và có kỹ năng hòa nhập với xã hội.

Không chỉ là một giáo viên mẫn cán, anh còn xung phong nhận nhiệm vụ là Bí thư Chi đoàn Thanh niên xóm Mỏ Ba. Xóm có 30 đoàn viên nhưng chỉ có 10 đoàn viên sinh hoạt thường xuyên, còn lại đi làm ăn xa nhà, việc vận động đoàn viên gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục, anh đã tổ chức, xây dựng nhiều hoạt động tại địa phương như dọn vệ sinh đường liên xóm, trồng cây xanh, giao lưu văn hóa thể thao.

Trong năm 2021, nhiều trận mưa lớn làm tuyến đường lên dốc Mỏ Ba bị sạt lở, cây đổ chắn ngang đường. Thời điểm ấy, anh đã hô hào đoàn viên trong xóm cùng nhau dọn dẹp đất đá, cây đổ để bà con lưu thông thuận tiện hơn. Anh cho hay: Tôi luôn mong muốn khơi dậy phong trào đoàn trong thanh niên địa phương, góp sức cho quê hương ngày một phát triển.

Nhờ sự nhiệt huyết mà anh Hồng đã đạt được nhiều thành tích như: Giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2018-2019, 2022-2023; danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm 2019-2020; liên tục nhận được Giấy khen của Chủ tịch UBND xã vì có thành tích xuất sắc trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu niên…

Nơi núi rừng sương gió, anh Hồng vẫn luôn nặng lòng với những đứa trẻ vùng cao, tâm huyết của anh như ngọn đuốc ngày đêm không tắt, soi sáng cho những thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.