Y tế tuyến xã - Chuyện "có" và "cần": Từ thiếu đến yếu (Kỳ 2)

07:34, 24/08/2017

Tuy đã có những bước phát triển đáng ghi nhận nhưng từ thực tế thời gian qua cho thấy, y tế tuyến xã trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng hiệu quả nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội đã kéo theo những khó khăn, thách thức về mô hình bệnh tật mới, đòi hỏi chất lượng khám chữa bệnh (KCB) cao hơn, khiến cho tuyến y tế cơ sở càng gặp nhiều khó khăn hơn. Trước thực trạng đó, ngành Y tế có những giải pháp như thế nào để củng cố và hoàn thiện y tế tuyến xã?

Chất lượng KCB chưa cao

Dù đã có tiền sử bệnh lao nhưng khi đến khám tại Trạm Y tế xã, cụ Nguyễn Văn Tỵ, 81 tuổi, ở xóm Cao Khản, xã Bản Ngoại (Đại Từ) vẫn được chẩn đoán là ho do viêm phế quản. Sau nhiều ngày điều trị không khỏi, cụ đã  xuống Bệnh viện Lao và bệnh phổi Thái Nguyên khám bệnh và được chỉ định nằm viện để điều trị bệnh lao phổi. Cụ Khản chia sẻ: Sau lần đó, mỗi lần có bệnh tôi đều đến Bệnh viện Đa khoa huyện hoặc bệnh viện tuyến tỉnh để được điều trị dù quyền lợi về bảo hiểm y tế có phần hạn chế hơn so với KCB ở tuyến xã. Còn bà Nguyễn Thị Nga, ở tổ 5, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Nếu như chất lượng KCB tại trạm y tế đáp ứng đủ điều kiện thì đối với những bệnh thông thường, chúng tôi sẵn sàng khám tại địa phương để đỡ mất thời gian, công sức đến bệnh viện...

Từ thực tế cho thấy, nhu cầu KCB của người dân rất lớn nhưng vì ở tuyến xã chưa có các chuyên khoa, nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế cũng chưa đáp ứng nhu cầu nên chưa tạo được niềm tin với nhân dân. Mặc dù từ nhiều năm nay, ngành Y tế luôn nỗ lực đầu tư để tìm cách “giữ chân” bệnh nhân nhưng vấn đề tạo dựng thương hiệu của các trạm y tế cấp xã vẫn còn khó khăn. Với không ít trạm y tế, ngoài việc triển khai công tác dự phòng thì chỉ thực hiện tiêm chủng và ký giấy chuyển viện cho người dân lên tuyến trên KCB. Đặc biệt, từ khi có chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế, số lượng bệnh nhân đến KCB tại trạm y tế xã ngày càng giảm. Năm 2016, tổng số lượt KCB tại trạm y tế giảm gần 167.000 lượt so với năm 2015.

Hiện, vẫn còn 17 trạm y tế chưa có bác sĩ. Tuy tỉnh đã liên tục tổ chức các chương trình đào tạo hướng đến mục tiêu 100% trạm có bác sĩ vào năm 2018, nhưng với cơ chế đãi ngộ như hiện nay, việc tuyển thêm hoặc giữ chân bác sĩ hoạt động tại trạm y tế xã tương đối khó khăn. Bên cạnh đó, các khó khăn về chi phí giường bệnh thấp, giá dịch vụ y tế còn một số bất cập, nguồn đầu tư  hạn chế… cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các trạm y tế. Chính những khó khăn này đã ảnh hưởng lớn đến tính chuyên nghiệp, việc xây dựng thương hiệu của y tế tuyến xã.

Từ đề án đến thực tại

Theo ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế: Trong thời gian tới, vai trò của trạm y tế sẽ ngày càng được nâng cao với khối lượng công việc tương đối lớn. Các trạm y tế phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của chăm sóc sức khỏe ban đầu; thực hiện quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn, theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Đồng thời, tỉnh sẽ mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, quản lý các bệnh mạn tính, mô hình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone… tại trạm y tế xã. Để thực hiện được mục tiêu phát triển y tế tuyến xã, trước hết, cần nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể cũng như toàn xã hội trong việc phối hợp thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nhằm phát triển hơn nữa y tế tuyến cơ sở, được biết, tỉnh đang xây dựng Kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Theo đó, mục tiêu chung mà toàn tỉnh hướng đến là: “Nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng, điều trị các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.” Trong đó, đối với y tế tuyến xã, phấn đấu đến năm 2020, 100% trạm y tế có bác sĩ, 90% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Và đến năm 2025, phấn đấu 100% trạm y tế xã có bác sĩ, trong đó 30% trạm có bác sĩ gia đình; 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Để thực hiện được mục tiêu này, cần có sự đầu tư hợp lý về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, thuốc thiết yếu cho các trạm y tế. Đẩy nhanh tiến độ tin học hóa các hoạt động của y tế tuyến xã và quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe của từng người dân. Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, triển khai cơ sở y tế “xanh – sạch – đẹp”. Ngoài ra, cần thiết phải thay đổi cơ chế đầu tư tài chính cho trạm y tế xã, xem xét việc quy định bổ sung danh mục bảo hiểm y tế được thanh toán, xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản ở tuyến xã. Cần có chính sách thu hút nhân lực cho y tế tuyến xã, đặc biệt là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa. Đối với các trạm y tế chưa phát huy được hết công năng, cần nghiên cứu để có phương án bố trí, điều chỉnh nhân lực cho hợp lý theo khối lượng công việc. Với một số trạm y tế gần bệnh viện, hoạt động kém hiệu quả có thể chuyển một số cán bộ y tế tại đây về khu vực đông dân cư hơn để phát huy chuyên môn.