Giúp trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng hòa nhập cộng đồng

07:49, 30/10/2017

Thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình thương của người thân, bị bạn bè kỳ thị và xa lánh, thiếu tự tin... là những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Để thay đổi điều này, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội.

Theo thống kê của Trung tâm Công tác xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội): Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 120 trẻ nhiễm H đang điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và gần 10 nghìn trẻ thuộc diện bị ảnh hưởng. Đặc thù của nhóm đối tượng này là đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Thường thì bố mẹ các em ra ngoài kiếm sống, bị nhiễm HIV/AIDS rồi về lây bệnh cho cả gia đình. Những trường hợp trẻ nhiễm H bẩm sinh hoặc bị ảnh hưởng thường mất bố, mẹ hoặc cả hai nên đặc biệt thiếu thốn về tình cảm. Ngoài ra, việc kỳ thị và xa lánh người nhiễm H nói chung, trong đó có trẻ nhỏ thực tế vẫn còn, nhất là đối với các bạn cùng lớp nơi các cháu theo học.

Mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh Nga, ở tổ dân phố Bông Hồng, phường Bãi Bông (T.X Phổ Yên) cũng từng rơi vào hoàn cảnh như thế. Chị kể: Tôi bị nhiễm HIV vào năm 2005 từ chồng mình, con trai là Lưu Mạnh Hải khi sinh ra cũng bị lây nhiễm. Chồng mất, bản thân tôi có thời điểm tuyệt vọng và muốn kết thúc cuộc đời. Một mình nuôi con đã vất vả, đến khi cháu đi học thì xin các trường nhưng không nơi nào nhận. Công việc của tôi ở Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yên cũng bị chuyển từ bộ phận nấu ăn sang làm tạp vụ khiến thu nhập giảm nhiều. Nhưng rồi cuộc sống không quay lưng với chị Nga. Tham gia câu lạc bộ Hoa Huệ - nơi sinh hoạt của những người phụ nữ cùng hoàn cảnh, chị được trang bị kiến thức về bệnh và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Tại trường học, quan niệm của thầy cô giáo, thái độ của các cháu học sinh cùng lớp con chị cũng dần thay đổi. Hiện, cháu Hải đang học Trường THCS Hồng Tiến và không hề bị bất cứ sự phân biệt kỳ thị nào.

Chị Trần Bảo Khánh, Phó Trưởng Phòng can thiệp hỗ trợ, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: Có được kết quả như trường hợp mẹ con chị Nga là cả sự nỗ của bản thân và quá trình can thiệp, hỗ trợ từ các ban, ngành. Với Trung tâm công tác xã hội, trong hai năm qua, chúng tôi đã trực tiếp can thiệp, giúp đỡ gần 20 trường hợp trẻ nhiễm H trên địa bàn tỉnh. Hình thức chủ yếu là can thiệp để các em được đến trường khi đủ tuổi, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương hỗ trợ vất chất và tinh thần cho các cháu.

Một trong những hoạt động mang lại hiệu quả cao là mô hình “Gia đình nhận nuôi trẻ bị nhiễm hoặc ảnh hưởng bởi H”. Theo đó, riêng năm 2016 đã có 5 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ và Định Hóa được giúp. Người nhận nuôi có thể trực tiếp là bố, mẹ đẻ hoặc họ hàng nếu bố mẹ cháu đã mất. Theo đó, một năm mỗi trường hợp được trợ cấp trong 6 tháng, với mức 900 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, cán bộ Trung tâm còn trực tiếp đến phổ biến cho gia đình những kỹ năng chăm sóc, tránh lây lan cho người khác; việc hòa nhập cộng đồng, củng cố niềm tin để các cháu tiếp tục học. Em Phạm N.A, ở xóm Đông Nghè, xã Kim Phượng (Định Hóa) nói: “Bố mất, mẹ cũng bị bệnh nên sức khỏe yếu, hầu như không làm được việc nặng. Bởi vậy, cuộc sống của hai mẹ con em rất khó khăn. Nguồn hỗ trợ tuy không lớn nhưng cũng giúp gia đình đỡ vất vả phần nào. Thêm nữa, được tư vấn những kỹ năng, tiếp thêm sự tự tin trong cuộc sống nên em không còn thu mình lại như trước nữa”. Hiện nay, Phạm N.A đang học lớp 12, Trường THPT Định Hóa.

Không chỉ hỗ trợ trực tiếp trường hợp nhiễm và ảnh hưởng bởi H, Trung tâm Công tác xã hội tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại các trường học nhằm nâng cao kiến thức và từng bước giảm kỳ thị. Cùng với đó là tập huấn cho tổ chức đoàn thể ở cơ sở, nhất là những điểm nóng về ma túy, HIV/AIDS để họ có kỹ năng xử lý và tiếp cận phù hợp. Theo chị Trần Bảo Khánh: Tuy đã có chuyển biến tích cực, nhưng để đạt mục tiêu không còn kỳ thị và tất cả trẻ bị nhiễm, ảnh hưởng bởi H được giúp đỡ còn cả một quãng đường dài. Để nhóm trẻ này có thể hòa nhập rất cần sự vào cuộc của cộng đồng, giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần và trang bị kỹ năng sống.