Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch thí điểm tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng theo Quyết định số 4306/QĐ-BYT ngày 19/10/2015, góp phần phát hiện 90% người nhiễm HIV vào năm 2020; đồng thời đánh giá tính khả thi và tính chấp nhận của các mô hình tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; tăng lựa chọn làm xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ lây nhiễm. Mô hình được thực hiện thí điểm tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Cần Thơ, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau hai năm thực hiện thí điểm, kết quả cho thấy, tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng là cách tiếp cận sáng tạo, hiệu quả. Các tổ chức cộng đồng và y tế thôn bản có khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV đảm bảo chất lượng và chính xác. Người tự xét nghiệm có thể thực hiện và phiên giải đúng kết quả xét nghiệm HIV với cả hai loại sinh phẩm máu mao mạch đầu ngón tay và dịch miệng. Tuy nhiên, tư vấn xét nghiệm không chuyên ở khu vực đô thị có hiệu quả cao hơn tại khu vực nông thôn, miền núi do khác nhau về khả năng tiếp cận. Do đó, tự xét nghiệm HIV có tiềm năng đóng góp vào việc tiếp cận, chẩn đoán và điều trị HIV cho các nhóm nguy cơ cao tại khu vực đô thị. Việc triển khai tư vấn xét nghiệm HIV lưu động cần gắn với dịch vụ xét nghiệm HIV khẳng định và điều trị tuyến huyện.
Trong quá trình triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại công đồng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức như một số người do đi làm ăn xa hoặc lo sợ kỳ thị nên nhiều khi xét nghiệm sàng lọc phản ứng dương tính nhưng không đưa ngay khách hàng đến cơ sở xét nghiệm khẳng định được và không thể liên lạc với khách hàng. Thái độ của một số nhân viên y tế không hỗ trợ tiếp nhận khách hàng dương tính làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức cộng đồng khi giới thiệu chuyển gửi. Bên cạnh đó, các khách hàng không có giấy tờ tùy thân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ điều trị.
Từ những kết quả đã đạt được, các chuyên gia cho rằng, để các mô hình tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng triển khai thành công, cần lựa chọn đúng địa bàn có nguy cơ cao; đồng thời cần có sự tham gia nhiệt tình của nhân viên y tế thôn bản và các tổ chức cộng đồng. Việc đào tạo các nhân viên xét nghiệm không chuyên đòi hỏi không chỉ tập huấn mà còn hỗ trợ trong quá trình làm việc tại thực địa, nhất là trong thời gian đầu.
Một số chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế khuyến nghị, để triển khai nhân rộng mô hình này, mỗi địa phương nên thiết kế mô hình phù hợp với bối cảnh thực tế; tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật, cả kỹ năng tư vấn lẫn xét nghiệm để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, cần thí điểm các mô hình cung cấp dịch vụ tự xét nghiệm HIV khác như thông qua nhà thuốc, phòng khám công và tư, tư vấn trực tuyến nhằm mở rộng tiếp cận và thúc đẩy tính bền vững của dự án. Việt Nam cũng cần hỗ trợ đăng ký lưu hành và tiếp cận thị trường cho các sinh phẩm chẩn đoán nhanh HIV thích hợp với tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, đặc biệt là tự xét nghiệm.