Sau khi có Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 quy định về việc thanh toán thuốc ARV từ bảo hiểm y tế và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi rút HIV, các địa phương đã tích cực vận động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế bằng kinh phí cá nhân nếu có điều kiện.
Đồng thời, các tỉnh cũng sẵn sàng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV nếu khó khăn hoặc có nhu cầu. Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS cũng đã dành một khoản kinh phí hỗ trợ các địa phương khó khăn mua thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân AIDS. Với các giải pháp được triển khai đồng bộ, độ bao phủ bảo hiểm y tế trong bệnh nhân tham gia điều trị thuốc kháng HIV tăng từ 64% (tháng 2/2017) lên 76% (tháng 6/2017) và 82% (tháng 9/2017); tương đương hoặc cao hơn một chút so với tỷ lệ chung người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Đáng chú ý, 6 tỉnh đạt mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế gồm: Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn và có tới 23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong bệnh nhân điều trị HIV là trên 90%.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định: Bảo hiểm y tế được Chính phủ xác định là giải pháp bền vững cho việc đảm bảo điều trị HIV/AIDS nói chung và điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh thực hiện các hoạt động để triển khai việc thanh toán chi phí điều trị HIV/AIDS cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Bất kỳ ai khi tham gia bảo hiểm y tế đều được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Đối với người nhiễm HIV, thuốc ARV đã nằm trong danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả.
Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số… được bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh. Cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS khi mua bảo hiểm y tế sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội…
Như vậy, bảo hiểm y tế giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế. Điều trị ARV là liên tục và suốt đời. Vì vậy, người nhiễm HIV cần vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia bảo hiểm y tế ngay để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe chính mình.
Người nhiễm HIV là lao động ngoại tỉnh, vẫn có thể tham gia bảo hiểm y tế theo một trong hai cách sau: Đăng ký tạm trú tại cơ quan công an nơi tạm trú để lao động, sau đó tham gia bảo hiểm y tế bình thường tại nơi tạm trú theo quy định hiện hành. Cách thứ 2 là tham gia bảo hiểm y tế tại nơi có hộ khẩu thường trú, sau đó sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh tại một bệnh viện tuyến huyện nơi tạm trú. Theo quy định hiện nay, việc khám, chữa bệnh đã được thông đến tuyến huyện trên toàn quốc.
Người nhiễm HIV có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu có khám chữa bệnh HIV/AIDS trên địa bàn cấp huyện, tỉnh. Để được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, người bệnh cần mang theo: Thẻ bảo hiểm y tế còn hạn sử dụng; giấy tờ tùy thân (CMTND nếu thẻ không có ảnh); trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế thì cần mang theo giấy chứng sinh/khai sinh/giấy xác nhận của đơn vị bảo trợ, nuôi dưỡng hợp pháp; nếu trẻ điều trị ngay sau khi sinh thì cần xác nhận bệnh án; giấy chuyển tuyến (nếu cơ sở y tế đến khám là tuyến tỉnh/trung ương/phòng khám chuyên khoa). Người dân cần lưu ý thông tin giữa thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ tùy thân phải thống nhất về họ, tên và ngày tháng năm sinh)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, để thực hiện bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nước ta đã có Luật về bảo hiểm y tế, có Luật khám chữa bệnh và hàng loạt văn bản hướng dẫn về khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế nói chung. Tuy nhiên, nếu áp dụng với người nhiễm HIV là đối tượng đặc thù thì có thể sẽ có rất nhiều người không tiếp cận được với điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, việc kiện toàn các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được các chi phí điều trị cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế qua Quỹ bảo hiểm y tế cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS trước đây thuộc hệ thống y tế dự phòng nên cán bộ y tế chưa có chứng chỉ hành nghề riêng về điều trị HIV. Một số cơ sở điều trị HIV/AIDS tại bệnh viện hoạt động theo dự án, khi chuyển sang khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, bổ sung hợp đồng khám chữa bệnh HIV/AIDS mới đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế…
Đặc biệt, độ bao phủ bảo hiểm y tế cho đối tượng này cũng đang gặp nhiều khó khăn do tâm lý sợ lộ thông tin của người bị bệnh. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS có tâm lý lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, một số bệnh nhân tuy có thẻ bảo hiểm y tế nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh hoặc đến nơi không được hưởng bảo hiểm y tế để che giấu tình trạng bệnh. Ngoài ra, nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ bảo hiểm y tế do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án.
Chính phủ đã ban hành quyết định về việc thanh toán thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi rút HIV. Đây là quyết định quan trọng để Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng tiếp các hướng dẫn cụ thể như Thông tư quy định quản lý thuốc ARV từ Quỹ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc ARV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Quyết định trên cũng giúp UBND các tỉnh chuẩn bị các điều kiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.
Theo Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, thời điểm thanh toán thuốc ARV từ Quỹ bảo hiểm y tế là từ năm 2019. Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn mua sắm, thanh toán thuốc ARV. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các tỉnh để tổng hợp nhu cầu thuốc ARV từ Quỹ bảo hiểm y tế 63 tỉnh, thành phố; chuẩn bị các hồ sơ cần thiết cho việc đấu thầu, mua sắm thuốc ARV từ Quỹ bảo hiểm y tế và chuyển giao cho Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia. Theo đó, kế hoạch quý IV năm 2018 sẽ phải có thuốc ARV chuyển về các cơ sở điều trị để có thể sẵn sàng chi trả cho bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế từ ngày 1/1/2019. Như vậy, các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố phải tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện quyết định này…