Chăm sóc sức khỏe tâm thần cần được quan tâm đúng mức

16:33, 15/12/2017

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc can thiệp hỗ trợ, tư vấn giúp người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí giải tỏa, điều trị kịp thời là một yêu cầu cấp thiết. Ước tính, tỉnh ta đang có trên 140 nghìn người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí, nhiều người không trong diện quản lý, hoặc thậm chí họ không biết về tình trang bệnh của mình. Đây là nhóm người tiềm ẩn nguy cơ chuyển thành tâm thần mãn tính, gây áp lực lớn lên gia đình và cộng đồng xã hội nếu không được can thiệp, tư vấn hoặc hỗ trợ điều trị kịp thời.

Kỳ 2: Cần kịp thời hỗ trợ người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí

Đa số người có sức khỏe tâm thần chưa được hỗ trợ

Từ tháng 7-2016, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh triển khai thực hiện thí điểm mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng tại địa bàn hai xã Động Đạt, Yên Lạc của huyện Phú Lương và xã Tân Quang, phường Thắng Lợi của T.P Sông Công. Trung tâm đã tổ chức 8 lớp tập huấn cho 760 lượt cộng tác viên công tác xã hội; tổ chức 4 buổi truyền thông cho 400 đại biểu là người dân tại địa bàn 4 xã/phường triển khai mô hình nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nguyên nhân, ảnh hưởng của bệnh trầm cảm đến cuộc sống của họ. Đặc biệt, qua rà soát trên 2,5 nghìn người có nguy cơ cao bị trầm cảm, đã phát hiện 67 người có điểm số trầm cảm cao trong đó 34 người được hướng dẫn kiểm soát trầm cảm, 21 người được tư vấn thoát khỏi tình trạng trầm cảm thành công, 13 bệnh nhân tiếp tục được tư vấn trị liệu.

Được biết, đây là mô hình mới nhất trên địa bàn tỉnh hỗ trợ rà soát và tư vấn trị liệu cho người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh. Trước đó, từ tháng 11-2014 đến tháng 9-2015, Cục Bảo trợ Xã hội đã phối hợp với Tổ chức Sức khoẻ gia đình quốc tế thực hiện dự Dự án thí điểm mô hình chăm sóc sức khoẻ tâm thần dựa vào cộng đồng tại 4 xã, phường thuộc T.P Thái Nguyên, gồm: Cam Giá, Đồng Bẩm, Trung Thành, Phúc Xuân. Qua đó, gần 400 người nghi có rối nhiễu tâm trí đã được rà soát và đã có 91 trường hợp được tư vấn tâm lý, trị liệu thành công.

Cả hai mô hình trên đều được đánh giá cao về hiệu quả rà soát, hỗ trợ người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Tuy nhiên, kết quả của mô hình mới chỉ dừng lại trong một giới hạn địa lý hẹp mà chưa được nhân rộng vì thiếu kinh phí, thiếu nguồn nhân lực triển khai. Theo ước tính, ở nước ta có khoảng 14% dân số mắc 10 bệnh tâm thần thường gặp như: Tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, loạn tâm thần sau chấn thương sọ não, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, rối loạn tâm thần do rượu, ma túy… Cũng theo ước tính của ngành Y tế, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 150 nghìn người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Trong đó, mỗi năm Bệnh viện Tâm thần khám và điều trị cho gần 2 nghìn lượt bệnh nhân; Trạm Tâm thần phối hợp với 181 trạm y tế xã điều trị tại cộng đồng cho gần 5,2 nghìn người; ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận, điều trị cho trên 200 bệnh nhân. Số còn lại, có trên 140 nghìn người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí không được quản lý, tư vấn thường xuyên. Phần lớn trong số họ không biết về tình trạng bệnh hoặc tự giấu bệnh của mình.

Chị Trần Bảo Khánh, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã nhiều năm tham gia triển khai các dự án cộng đồng cho người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí cho biết: Trên thực tế, số người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí tương đối nhiều trong xã hội hiện nay. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh có thể sẽ diễn tiến ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, để rà soát, phát hiện người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí không hề dễ dàng bởi đa số người dân còn thiếu kiến thức về sức khỏe tâm thần. Trong nhiều trường hợp, gia đình và người có nguy cơ rối nhiễu tâm trí không hợp tác trong quá trình sàng lọc, đánh giá mức độ rối nhiễu tâm trí; người chăm sóc chính cho người có nguy cơ rối nhiễu tâm trí còn thiếu kiến thức về sức khỏe tâm thần nên chưa có kỹ năng và phương pháp chăm sóc, hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, thực tế người có nguy cơ rối nhiễu tâm trí và gia đình chưa nhận thức được vấn đề sức khỏe tâm thần của mình hoặc không dám chấp nhận sự thật, né tránh và phủ nhận tình trạng bệnh của mình, đây đang là một rào cản rất lớn trong công tác xã hội đối với người có nguy cơ rối nhiễu tâm trí.

Một nguyên nhân khác, theo ông Vũ Đức Quyết, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội): Nghề công tác xã hội ở Thái Nguyên mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, lực lượng nhân viên công tác xã hội còn mỏng và đa số chưa được đào tạo cơ bản. Đội ngũ nhân viên này phát triển chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể, đôi khi là những người dân tự nguyện nên họ làm việc theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về công tác xã hội. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng chưa cao, thiếu tính bền vững. Chính vì vậy, việc rà soát để hỗ trợ người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Phấn đấu đạt mục tiêu 90 % người rối nhiễu tâm lý được tư vấn

Ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1215/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2020, 90% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang thang được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác; 100% gia đình có người tâm thần, 70% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: Dù trên thực tế còn nhiều người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí chưa được tiếp cận với các dịch vụ công tác xã hội liên quan đến sức khỏe tâm thần, nhưng Thái Nguyên vẫn có thể hoàn thành mục tiêu tại Quyết định số 1215/QĐ-TTg. Theo đó, để hoàn thành các mục tiêu này, trước hết, cần quan tâm phát triển cộng tác viên công tác xã hội ở cơ sở. Hiện nay, lực lượng này bước đầu được lồng ghép trong hoạt động của các y tế thôn bản và cán bộ trạm y tế, đem lại hiệu quả nhất định trong chăm sóc sức khỏe tâm thần ở cộng đồng. Bên cạnh đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đặc biệt là tăng cường quảng bá về đường dây nóng tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ các dịch vụ công tác xã hội 1800.8080. Ngành cũng sẽ tiếp tục thực hiện và tiến tới nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng để tăng cường độ phủ của các dịch vụ công tác xã hội hướng vào người có sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.

Cán bộ Trạm Tâm thần đến hỗ trợ tư vấn điều trị cho bệnh nhân bị bệnh động kinh tại cộng đồng.

Đồng quan điểm trên, Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Phó Trạm Trưởng Trạm Tâm thần cho rằng, để phát hiện kịp thời những bệnh nhân tâm thần tái phát và phát hiện bệnh nhân mới, cần phải quan tâm, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thường xuyên cho đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan y tế và cộng tác viên công tác xã hội để đảm bảo người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí được theo dõi y tế và hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội thường xuyên.

Cũng bàn về mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: Để thực hiện mục tiêu của Quyết định số 1215/QĐ-TTg, các địa phương cần phải bổ sung thêm chính sách trợ giúp xã hội đối với người có sức khỏe tâm thần; xây dựng chính sách, bổ sung chế độ cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội; củng cố mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, tập huấn cho cán bộ nhân viên công tác xã hội; hỗ trợ nhân rộng mô hình phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tới quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có đông đối tượng, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và phục hồi chức năng cho người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí.