Nhờ triển khai đồng bộ chiến lược về chăm sóc sức khỏe trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta đã giảm trong 5 năm qua. Năm 2010, trẻ em nhẹ cân từ 17,5% đã giảm xuống còn 13,8% trong năm 2016.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn gần 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi (24,3% năm 2016). Đặc biệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi người dân tộc thiểu số cao gấp gần 2 lần so với trẻ em người dân tộc Kinh (32,1% so với 16,2%).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống ở vùng sâu, vùng xa và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; việc di chuyển từ nhà đến các cơ sở y tế thường rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Phụ nữ dân tộc thiểu số thường cho trẻ ăn thức ăn thô từ rất sớm (từ 2-3 tháng tuổi). Tại một số vùng, người dân không đủ lương thực, nước sạch và vệ sinh...
Hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dân tộc thiểu số vẫn còn ở mức cao (32,1%), là một trong những vấn đề bức thiết bởi những tác động của nó kéo dài theo suốt vòng đời của trẻ, để lại những hệ quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của trẻ bao gồm cả sự phát triển của não bộ, làm giảm sức sản xuất khi trẻ trưởng thành, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của một quốc gia...
Trước thực trạng trên, giáo dục truyền thông được xem là một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng. Truyền thông đúng đối tượng và hiệu quả sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thái độ và thúc đẩy những thực hành tích cực trong nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dân tộc thiểu số, Chiến dịch "Vì mọi trẻ em" đã được Tổ chức Cứu trợ trẻ em công bố, đây là một hoạt động thiết thực nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chiến dịch huy động sự hợp tác liên ngành trong vấn đề dinh dưỡng, đồng thời khuyến khích các bà mẹ áp dụng chế độ ăn lành mạnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn trong thời kỳ mang thai; khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ và chỉ cho ăn bổ sung khi trẻ đã đủ 6 tháng tuổi. Đặc biệt, 1.000 ngày đầu tiên trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ là giai đoạn quan trọng nhất đối với các can thiệp chống suy dinh dưỡng thể thấp còi. Chiến dịch sẽ góp phần cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.