Bằng tinh thần và trách nhiệm của người thầy thuốc, những năm qua, các cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh đã hết lòng chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Trái tim bao dung, tấm lòng y đức của họ luôn được người dân trân trọng và yêu quý.
Cứ đến giờ ăn hàng ngày, anh Diệp Văn Quảng lại đến nhà ăn của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nhận suất ăn miễn phí cho cháu trai Diệp Văn Dương đang là bệnh nhân điều trị tại đây. Biết hoàn cảnh khó khăn của cháu Dương, nhân viên bếp ăn luôn dành phần ăn đầy đặn, đủ dinh dưỡng nhất cho 2 chú cháu. Dương năm nay 13 tuổi, sống cùng bố và em trai ở xã Tân Lợi (Đồng Hỷ). Nhưng cả ba bố con đều bị thiểu năng trí tuệ nên cuộc sống hàng ngày hoàn toàn phụ thuộc vào sự đùm bọc của họ hàng, làng xóm. Vì vậy, cháu bị đau bụng nhưng phải đến 5 ngày sau người nhà mới biết và đưa đi cấp cứu.
Bác sĩ Châu Văn Việt, quyền Trưởng khoa Ngoại - Nhi, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Hôm đó là chiều 30 Tết, cháu Dương được đưa đến Bệnh viện trong tình trạng đau bụng quằn quại từng cơn, mạch nhanh, nếu không kịp thời cấp cứu thì chỉ 10-15 phút sau cháu có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Trước khi mổ, người nhà bệnh nhân đến gặp chúng tôi cho biết họ chưa có đủ tiền đóng viện phí. Tuy nhiên,do tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch nên Khoa đã xin ý kiến và được Ban Giám đốc Bệnh viện đồng ý, ngay sau đó chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, sức khỏe của cháu Dương mới được ổn định. Các bác sĩ đã nhanh chóng truyền máu và lập tức tiến hành phẫu thuật cắt hơn 1 mét ruột đã hoại tử để đảm bảo an toàn cho cháu.
Anh Diệp Văn Quảng cảm động nói: Đến bây giờ gia đình tôi mới đóng được 5 triệu đồng tiền tạm ứng viện phí, những khoản còn lại đều do Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên hỗ trợ trước. Những ngày ở lại Bệnh viện, bếp ăn của Bệnh viện lo cơm nước cho cháu và người nhà. Các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Ngoại - Nhi góp tiền cho chúng tôi mua sữa và cùng chăm sóc Dương. Qua tâm tình, các bác sĩ biết được hoàn cảnh của cháu nên đã trực tiếp liên hệ với UBND xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) để xin trợ giúp giải quyết thủ tục cấp Bảo hiểm y tế. Bệnh viện còn hỗ trợ tiền viện phí và kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp giúp đỡ trong thời gian cháu điều trị. Chúng tôi không biết nói gì ngoài sự biết ơn sâu sắc đến các y, bác sĩ.
Trường hợp được giúp đỡ như bệnh nhân Dương không phải hiếm gặp và bất cứ người bệnh gặp khó khăn đặc biệt cũng đều được cán bộ y tế các bệnh viện tích cực hỗ trợ. Đã một thời gian trôi qua nhưng bác sĩ Đặng Thị Mai Anh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện A Thái Nguyên vẫn chưa quên quyết định liều lĩnh của mình khi điều trị cho một bệnh nhân không rõ lai lịch. Bác sĩ Mai Anh kể lại: Bệnh nhân được người dân đưa đến Bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, mất ý thức. Sau khi được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, mặc dù chưa xác định danh tính bệnh nhân và chưa liên hệ được với người nhà nhưng ở hoàn cảnh khẩn cấp đó, chúng tôi vẫn quyết định tiến hành lọc máu cấp cứu bệnh nhân liên tục 14 giờ. Đây là một trong những quyết định khó khăn vì ngoài chi phí cho việc điều trị lên đến gần 50 triệu đồng, bệnh nhân còn đang trong tình trạng hôn mê, việc điều trị và chăm sóc rất khó khăn. Nếu xảy ra sự cố, kíp trực sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm. Tuy vậy, các cán bộ của Khoa đã nỗ lực hết sức, cắt cử người chăm sóc bệnh nhân 24/24h, đồng thời đưa thông tin lên truyền hình để tìm người nhà bệnh nhân. Rất may sau đó bệnh nhân đã hồi tỉnh và lấy lại ý thức, chúng tôi cũng liên lạc được với người nhà của họ.
Bà Trần Thị Thanh, người nhà của bệnh nhân Lương Trường Giang, ở tổ dân phố Sau, phường Lương Sơn (T.P Sông Công)- người được các bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên cấp cứu kịp thời ở trên cho biết: Sau nhiều ngày không liên lạc được với con, chúng tôi rất lo lắng. Qua thông tin trên truyền hình, chúng tôi biết con trai mình đang được điều trị tại bệnh viện. Tôi rất cảm động trước tấm lòng của các y, bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên.
Những câu chuyện cảm động như trên tôi đã được biết, được nghe kể nhiều, càng thêm trân trọng và tin yêu hơn những “Lương y như từ mẫu”. Không chỉ hết lòng điều trị cho bệnh nhân, hiện nay, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều có Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo sẵn sàng hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân. Các bác sĩ, cán bộ y tế còn tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện như: khám sức khỏe miễn phí cho đối tượng chính sách, kêu gọi ủng hộ bệnh nhân nghèo, tư vấn sức khỏe miễn phí… Bằng nhiều cách khác nhau, họ luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ người bệnh, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong quá trình điều trị và cuộc sống hàng ngày. Có lẽ nhiều người chưa quên câu chuyện xúc động của những nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên đã phải điều trị phơi nhiễm HIV do có nguy cơ lây nhiễm trong quá trình cấp cứu cho bệnh nhân. Hay trường hợp toàn bộ bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện C Thái Nguyên trực liên tiếp 4 ca để hỗ trợ cho 6 bệnh nhân bị ngộ độc cây hoa chuông xảy ra cách đây không lâu. Hoặc câu chuyện về các cán bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa vừa hiến máu cho bệnh nhân sau đó lại tiếp tục công việc cấp cứu… Qua những câu chuyện đó, chúng ta thêm trân quý về lòng tốt của con người, về sự hết lòng với người bệnh của những người khoác lên mình tấm áo blouse trắng.
Trải lòng về nghề Y sau nhiều năm gắn bó, Thầy thuốc nhân dân, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho hay: Với tôi cũng như mỗi y, bác sĩ, việc quan trọng hàng đầu chính là chữa bệnh cứu người và giữ vững y đức. Ngoài những nội quy, quy tắc của ngành Y, chúng tôi làm việc hết mình còn bởi lòng trắc ẩn, sự tương thân tương ái giữa con người với con người. Đối với mỗi cán bộ y tế, niềm vui không phải là lời tuyên dương hay những tấm bằng khen mà chính là sự hồi phục sứ khỏe cỉa người bệnh.