Hiện nay, tình trạng lao kháng đa thuốc đang có xu hướng gia tăng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Việc ngăn chặn và quản lý lao kháng đa thuốc đang trở thành thách thức lớn đối với mục tiêu chấm dứt hoàn toàn bệnh lao vào năm 2030 ở Việt Nam. Tại Thái Nguyên, tuy tỷ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ nhưng tình trạng phòng, chống loại bệnh này vẫn còn khó khăn.
Theo báo cáo của chương trình phòng, chống lao tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2017, toàn tỉnh đã phát hiện được 1.013 bệnh nhân lao mọi thể (đạt 111,3 % kế hoạch), cao hơn gần 7% so với năm 2016. Tỷ lệ khỏi và hoàn thành điều trị của bệnh nhân đạt 95,6%. Trong đó, số lượng bệnh nhân lao kháng đa thuốc được phát hiện là 18 bệnh nhân (chiếm 1,78%), tuy vậy, mức độ kháng thuốc và nguy hiểm của bệnh lại có xu hướng tăng. Điển hình như bệnh nhân C.M.C ở phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên). Ông C. mắc lao phổi từ năm 2017. Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, ông được trở về tiếp tục điều trị tại cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình này, do nhận thấy sức khỏe bản thân đã tốt hơn, tăng cân trở lại nên bệnh nhân đã tự ý bỏ điều trị. Ông C. cho biết: Sau khi bỏ thuốc được 10 ngày thì sức khỏe của tôi có chuyển biến xấu. Các cơn ho liên tục xuất hiện kèm theo tình trạng đau tức ngực, khó thở, sức khỏe suy giảm. Đến khi trở lại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi khám tôi mới biết mình đã bị lao kháng đa thuốc do tự ý bỏ điều trị.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Văn Cường, Phó khoa phụ trách khoa Nội 2, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh: Trường hợp của bệnh nhân C. là nguyên nhân điển hình nhất của lao kháng đa thuốc. Nhiều bệnh nhân trong quá trình điều trị tại cộng đồng đã tự đánh giá tình trạng sức khỏe của bản thân và tự ý bỏ liệu trình điều trị dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Trong khi bệnh lao điều trị theo đúng phác đồ phải tiêm và uống thuốc đủ liều (khoảng 6-8 tháng) dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Nếu quá trình điều trị bị dở dang, bệnh không khỏi mà còn nhanh tái phát trở lại. Nguy hiểm hơn, hiện nay, đã xuất hiện nhiều trường hợp siêu kháng thuốc, tức kháng thêm cả kháng sinh thế hệ 2 - loại thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc.
Một khó khăn nữa trong công tác phòng, chống lao kháng thuốc hiện này là chi phí điều trị cho trường hợp kháng thuốc cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường. Sử dụng thuốc điều trị lao kháng đa thuốc để chữa bệnh cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều tác dụng phụ không mong muốn, thời gian điều trị kéo dài (trung bình 20 tháng). Trong đó, ở giai đoạn tấn công (8 tháng đầu), bệnh nhân sẽ phải tiêm và dùng thuốc hàng ngày. Tiếp đó, trong 12 tháng tiếp theo, bệnh nhân sẽ được điều trị tại cộng đồng. Do vậy, tỷ lệ bệnh nhân kiên trì điều trị là rất thấp. Điều này gây nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh lao vì cứ một bệnh nhân lao kháng thuốc không được phát hiện trong vòng 1 năm có thể lây nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc cho trung bình 10-15 người khác.
Theo thống kê, cuối năm 2013 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 68 trường hợp lao kháng đa thuốc. Trong đó, có 7 người bỏ trị, 4 người tử vong và 15 người hoàn thành điều trị. Số còn lại đang trong diện được quản lý bởi Chương trình phòng, chống Lao tỉnh. Bác sĩ Chuyên khoa II Ngô Thị Thu Tiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho hay: Lao đa kháng thuốc là một dạng lao dễ gây tử vong, khó điều trị và kháng lại phần lớn các thuốc chống lao có hiệu lực mạnh nhất. Đối với bệnh nhân lao kháng đa thuốc cần phải điều trị theo đúng phác đồ dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế và những người hỗ trợ. Việc điều trị bệnh nhân lao kháng đa thuốc đòi hỏi nhân viên y tế chuyên trách tại các tuyến và những người hỗ trợ phải theo dõi sát người bệnh, phát hiện kịp thời các tác dụng không mong muốn của thuốc để có hướng xử lý, hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị. Đồng thời, người bệnh phải tuân thủ nghiêm túc các quy định theo hướng dẫn của nhân viên y tế để bảo đảm được tiêm và uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, đúng liều, đều đặn và có những biện pháp thích hợp để phòng, chống lây nhiễm cho cộng đồng.
2Để có thể tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030 theo mục tiêu cơ bản của Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tại Thái Nguyên, ngoài việc tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhằm nâng cao kiến thức phòng bệnh cho mọi người, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Cụ thể, cần tập trung vào các hoạt động phát hiện người mắc lao mới tại cộng đồng, làm tốt công tác tiêm chủng và dự phòng bệnh lao, áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật chẩn đoán mới, chú trọng chất lượng quản lý điều trị, triển khai thực hành xử lý tốt bệnh hô hấp ở hệ thống y tế tuyến cơ sở… Ngoài ra, cần đầu tư trang thiết bị để chủ động phát hiện người mắc lao ở người nhiễm HIV, đối tượng ở các trại giam, trung tâm cai nghiện tập trung… Mở rộng quản lý lao kháng đa thuốc, tăng cường công tác sàng lọc bệnh lao ở trẻ em, bao gồm cả điều trị bệnh lao và điều trị dự phòng lao; tăng cường nghiên cứu khoa học, các thử nghiệm thuốc, phác đồ điều trị và các mô hình mới trong công tác phòng, chống lao.