Hiện đang là thời điểm bệnh sởi vào mùa. Vì vậy, các biện pháp phòng, chống bệnh đang tiếp tục được ngành Y tế đẩy mạnh, đặc biệt là khâu tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng bệnh sởi cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, năm nay, do yếu tố thời tiết nên tình hình dịch bệnh có diễn biến chậm hơn so với mọi năm và hiện đang là thời điểm vào mùa của dịch bệnh sởi và tay - chân - miệng. Từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên mới chỉ phát hiện 2 ca mắc sốt phát ban dạng sởi. Tuy vậy, 2018 vẫn được dự báo là năm tình hình bệnh sởi có thể có những diễn biến phức tạp. Vì theo chu kỳ diễn biến của bệnh (khoảng 3-5 năm), bệnh sởi có nguy cơ sẽ bùng phát mạnh trong năm nay. Tại Hà Nội, địa phương giáp ranh với Thái Nguyên cũng đã ghi nhận hàng chục trường hợp mắc sởi từ đầu năm đến nay. Vì vậy, các biện pháp phòng, chống bệnh sởi đang được ngành Y tế tăng cường.
Thạc sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẳng định: Sởi là loại bệnh rất dễ lây lan và tất cả mọi người cho dù ở nhóm tuổi nào cũng đều có khả năng mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch trước đó. Trẻ em không được tiêm vắc-xin phòng bệnh có nguy cơ mắc sởi và các biến chứng cao nhất, kể cả tử vong. Phụ nữ mang thai không được tiêm phòng cũng có nguy cơ hoặc bất cứ ai chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch đều có thể mắc sởi. Các triệu chứng của bệnh sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 40 độ C, sốt liên tục. Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy. Sau khi sốt 3-4 ngày, người mắc sởi có thể bị các vết ban đỏ.
Tuy vậy, theo bác sĩ Chuyên khoa II Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Điều đáng lo ngại nhất khi trẻ mắc bệnh sởi không phải là các vết ban mà là những biến chứng có thể xảy ra. Theo nghiên cứu, có khoảng 30% trẻ em bị sởi xuất hiện một hoặc nhiều biến chứng thường gặp như: viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não...
Để phòng, chống bệnh sởi, trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã đã chỉ đạo trạm y tế các xã, phường, thị trấn tiếp tục tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi, đồng thời tổ chức tốt việc tiêm chủng thường xuyên theo quy định. Ông Dương Văn Bảy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai cho biết: Võ Nhai từng xảy ra ghi nhận nhiều trường hợp mắc sốt phát ban dạng sởi vào năm 2014 nên công tác kiểm soát dịch bệnh tại huyện luôn được chú trọng, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tăng cường phối hợp với nhân viên y tế thôn bản nắm bắt tình hình dịch bệnh tại các xóm, bản để có biện pháp bao vây, dập dịch kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng. Công tác tuyên truyền về dịch bệnh được thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống loa truyền thanh được phát bằng cả tiếng Việt và tiếng Mông.
Tuy đã có các bước chuẩn bị chu đáo, tuy nhiên, trên thực tế, công tác phòng chống bệnh sởi nói riêng và dịch bệnh nói chung ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn. Đặc biệt là khi người dân còn chủ quan với diễn biến và tình hình bệnh dịch. Hơn nữa, ở một số nơi, ý thức vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân của người dân còn thấp dẫn đến việc xử lý các ca bệnh và ổ dịch tại cộng đồng thực hiện còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại một số khu dân cư cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tình trạng thiếu nước sạch, nhà tiêu chưa bảo đảm vệ sinh là một trong những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm… Hiện nay, tiêm vắc xin phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất (vắc xin dạng đơn hoặc dạng phối hợp Sởi - Quai bị - Rubella hoặc Sởi/Rubella). Vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh sởi và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi vắc xin phòng sởi theo khuyến cáo của ngành Y tế: mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, để phòng tránh bệnh sởi, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh môi trường sống, vệ sinh thân thể, đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân,…). Mọi người dân đều phải nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly kịp thời.