Khó khăn trong phòng, chống HIV/AIDS ở tuyến cơ sở

16:23, 01/04/2018

Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 6.252 bệnh nhân HIV/AIDS còn sống. Trong đó, số bệnh nhân HIV quản lý mới là 123 người, số chuyển sang AIDS là 118 người. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở tuyến xã.

Từ nhiều năm nay, Trạm Y tế thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) chưa tiếp nhận bất cứ một trường hợp bệnh nhân nào đến tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS. Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương, Trạm trưởng cho biết: Đến nay, trên địa bàn thị trấn đang có 16 bệnh nhân HIV/AIDS có hồ sơ quản lý, tuy nhiên, 100% trong số này đều phát hiện bệnh ở nơi khác. Điều này xuất phát từ tâm lý e ngại, sợ kỳ thị của bệnh nhân. Thậm chí, những phụ nữ mang thai đến khám tại trạm cũng e ngại khi được đề nghị làm xét nghiệm test nhanh HIV. Vì họ cho rằng khi làm test nhanh có thể khiến người nhà nghi ngờ và kỳ thị.

Đây cũng là hiện trạng chung của các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh. Trên thực tế, bệnh nhân thường đến các địa phương khác, cách xa nơi sinh sống để xét nghiệm HIV. Nhiều trường hợp bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn của bệnh với các nhiễm trùng cơ hội nặng và chỉ được phát hiện tại các trung tâm chuyên khoa như Bệnh viện Lao và Bệnh phổi hoặc Trung tâm Da liễu. Nhiều bệnh nhân nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao nhưng từ chối tiếp xúc với cán bộ y tế để được nhận tư vấn. Điều này xuất phát từ tâm lý còn ngại tiếp xúc với cán bộ y tế, cũng như một phần tâm lý còn kỳ thị, xa lánh của cộng đồng. Vì vậy, nhân viên y tế không thể tiếp xúc, tư vấn cho bệnh nhân những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS để họ sớm tiếp cận điều trị ARV. Đồng thời không thể cung cấp dịch vụ có liên quan đến người nhiễm HIV/AIDS như thuốc phòng, chống nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm định kỳ, biện pháp can thiệp dự phòng như sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm…

Bên cạnh tâm lý người bệnh và cộng đồng, hiện nay, việc quản lý bệnh nhân HIV/AIDS cũng gặp một số hạn chế. Bác sĩ Phạm Hồng Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Tiến (thị xã Phổ Yên) chia sẻ: Hiện bệnh nhân HIV đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV tại Bệnh viện đa khoa thị xã Phổ Yên. Tuy vậy, so với giai đoạn trước, việc điều trị cho bệnh nhân HIV do Trung tâm Y tế huyện, đơn vị quản lý trực tiếp của trạm y tế xã đảm nhận, việc nắm bắt thông tin về bệnh nhân điều trị, bỏ trị, chuyển AIDS... của chúng tôi gặp khó khăn do thông tin hai chiều không đều đặn và thông suốt. Do vậy, việc quản lý bệnh nhân, tư vấn các nguy cơ lây nhiễm, vận động đối tượng có nguy cơ cao cũng hạn chế hơn.

Thêm nữa, hiện nay, tại các trạm y tế, công tác khám, tư vấn, giải đáp cho người nhiễm HIV/AIDS do bác sĩ chính của trạm hoặc cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS phụ trách. Tuy nhiên, do nhân lực ở tuyến xã có hạn và thường luân phiên thay đổi nên việc giám sát theo dõi tuân thủ điều trị của bệnh nhân không liên tục đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị chăm sóc cho bệnh nhân.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc can thiệp giảm tác hại, rà soát, giám sát, phát hiện dựa vào cộng đồng, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua. Tuy vậy, để hướng tới mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV); 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp) vào năm 2020 vẫn còn là thách thức lớn đối với địa phương trọng điểm, tập trung nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến HIV/AIDS như Thái Nguyên. Để đạt được mục tiêu đề ra, sự tham gia của y tế tuyến cơ sở là một trong những nội dung cần được coi trọng. Trong đó, cần tăng cường đầu tư trang thiết bị tư vấn, xét nghiệm nhanh cho các trạm y tế xã, tận dụng và đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ y tế thôn bản về công tác nắm bắt, rà soát, tư vấn cho người bệnh nhiễm HIV hoặc đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS. Bên cạnh đó, các đơn vị tuyến huyện cần thường xuyên giám sát, thăm hộ gia đình, theo dõi, nhắc nhở, giúp đỡ, động viên bệnh nhân tuân thủ điều trị. Đối với các trường hợp đến xét nghiệm tự nguyện, nếu khẳng định dương tính theo quy định của chương trình sẽ được đưa vào điều trị thuốc ARV sớm, đồng thời tư vấn giúp đỡ bệnh nhân và người nhà tuân thủ điều trị, hạn chế lây lan trong cộng đồng.