Ngày 11-4, GS. Ronald O'Donnel, Đại học bang Arizona (ASU) Hoa Kỳ đã có cuộc trao đổi với Trung tâm Chuyển giao và điều trị nghiện chất, Đại học Y Dược T.P Hồ Chí Minh về việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ phòng ngừa và quản lý rối loạn nghiện chất và HIV.
Giáo sư O'Donnell đã đưa ra những cập nhật về ý tưởng sử dụng công nghệ dựa trên web, các phần mềm ứng dụng, các nền tảng điện thoại di động để phục vụ và hỗ trợ phòng ngừa và quản lý các rối loạn sử dụng chất gây nghiện và HIV. Sự tiện lợi và hiệu quả của các ứng dụng smartphone, trình duyệt, phần mềm thể hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất, công nghệ hỗ trợ bệnh nhân, giúp họ tự giám sát sức khoẻ cũng như hành vi nguy cơ của họ, khiến họ cảm thấy họ có quyền tự chủ về cuộc sống. Thứ hai, công nghệ là một công cụ hiệu quả hỗ trợ nhân viên y tế, giúp họ cải thiện hiệu suất của mình trong khi tiết kiệm thời gian và nâng cao tính chuyên nghiệp của dịch vụ.
Theo Giáo sư O'Donnell, công nghệ sẽ là tương lai của thế giới, ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ. Chăm sóc sức khoẻ không phải là ngoại lệ. Triển vọng khi mọi người đeo các cảm biến sinh trắc để đo chỉ số cơ thể của họ sẽ không còn là một hiện tượng hiếm. Đây là một khuynh hướng không thể thiếu và sẽ mang lại những lợi ích tích cực nếu chúng ta ý thức được xu hướng này và không ngừng khám phá những công nghệ mới.
Giáo sư O'Donnell lấy ví dụ, một nghiên cứu kiểm tra hơn 550 triệu mẩu tweet (trên twitter) phát hiện ra rằng mọi người có trao đổi về sử dụng chất trong các tweet của mình và phân tích cũng chỉ ra rằng chính xu hướng này và “kho dữ liệu xã hội khổng lồ” này có thể được sử dụng để theo dõi và dự đoán các ca nhiễm HIV.
Giáo sư O'Donnell cho biết, tự giám sát bản thân là một chiến lược can thiệp do bản thân tự định hướng, chiến lược này dành cho những người sống chung với HIV/AIDS và những người lạm dụng chất. Công nghệ sử dụng cho quá trình tự giám sát và phản hồi là có thể điều chỉnh được và mang tính bền vững với chi phí khá tiết kiệm so với các phiên tư vấn tái khám thông thường.