Sau những ngày “treo bể ngủ dài”, các bể bơi như chợt thức dậy bởi không khí náo nức, hồ hởi bởi các “kình ngư” ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Trong số họ đã có nhiều người quen việc lội sông nước. Cũng có người lần đầu tiên đến bể bơi để tránh nóng tháng 6. Các bể bơi vào mùa như thế, và liên tục ồn ào trong suốt 3 tháng hè.
Theo ông Tạ Đình Chiến, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Hiện trên địa bàn của tỉnh có gần 50 bể bơi đủ điều kiện cấp phép hoạt động. Nhằm bảo đảm an toàn cho người dân khi đến bể bơi, từ đầu tháng 5, Phòng Nghiệp vụ Thể dục thể thao đã chủ động phối hợp với các đơn vị, cá nhân có bể bơi tổ chức lớp tập huấn cứu hộ, cứu nạn, phòng chống đuối nước cho gần 81 người là nhân viên làm nhiệm vụ tại các bể bơi trên địa bàn của tỉnh. Cùng với đó các đơn vị chức năng còn chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ cơ sở có bể bơi về những quy định, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên quan đến bơi lội, như các điều kiện về diện tích bể bơi; nhân viên cứu hộ, cứu nạn; tiêu chuẩn về nước trong bể bơi.
Thật thú vị khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 36, 37độ C lại được ngâm mình, vẫy vùng dưới làn nước trong veo. Vui nhất là các cháu nhỏ được bố, mẹ cho đến bể bơi để học thêm một kỹ năng sống. Bên bể bơi Nhà Thiếu nhi T.P Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi T.P Thái Nguyên cho biết: Bể bơi của đơn vị mới được UBND T.P Thái Nguyên đầu tư nâng cấp, đưa vào mở cửa phục vụ từ ngày 25-5-2018. Để bảo đảm an toàn cho người đến bơi lội, đơn vị chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước. Từng khu vực bơi đều có hàng rào ngăn cách, có biển báo hiệu độ sâu mức nước trong bể và có nhân viên cứu hộ, cứu nạn túc trực thường xuyên… Nhìn làn nước trong tới đáy, bà Trần Thị Hương, phường Trưng Vương cho biết: Con gái tôi 11 tuổi. Tôi cho cháu đi học bơi để sau này ra đời, đi đâu gặp nước lớn, hoặc bị ngã xuống nước, cháu có thể vượt qua. Còn ông Hoàng Văn Tiến, phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Con trai tôi 6 tuổi. Tôi cho cháu vào học lớp bơi năng khiếu không phải để sau này trở thành một vận động viên bơi lội, mà để cháu dạn dĩ hơn khi gặp nước, không hoảng sợ khi chẳng may bị ngã xuống nước. Được làm quen với môi trường nước, cháu sẽ có đủ bình tĩnh để tự cứu mình.
Biết bơi, một kỹ năng sống rất quan trọng với từng cá nhân con người. Tất cả những phụ huynh khi đưa con đến bể bơi đều có suy nghĩ chung như vậy. Nhất là hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng thường có tin về tình trạng đuối nước. Nạn nhân bị đuối nước nhiều nhất vẫn là các em học sinh bị nạn do tự rủ nhau đi tắm sông, hồ mà không có sự hướng dẫn, giám sát của người lớn. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thiện, chủ bể bơi ở xóm Na Đành, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) cho biết: Phục vụ nhu cầu tập bơi của người dân địa phương, tôi cho “khai trương” bể từ trung tuần tháng 5. Bể mở cửa một ca sáng, một ca chiều, ngày cao điểm được hơn trăm lượt người. Còn vào hôm trời mưa thì tập trung vệ sinh bể, sẵn sàng phục vụ nhân dân vào đợt nắng nóng tới. Với các cháu còn nhỏ, chưa biết bơi, chúng tôi mở lớp huấn luyện kỹ năng bơi lội. Thường sau 10 ngày các cháu có thể trườn được trên mặt nước khoảng từ 5 đến 10 mét.
Được như vậy, đồng nghĩa với việc các cháu có thể tự cứu mình khi vô ý ngã xuống hố nước, thậm chí là sông, hồ. Đây là một trong những lý do để phụ huynh mang con đến các bể bơi đăng ký tham gia khóa học bơi lội cấp tốc. Với mong muốn con mình được trải nghiệm một mùa hè an toàn, ý nghĩa và được trang bị thêm một kỹ năng sống với nước. Và ngoài ý nghĩa tập bơi lội, còn có nhiều trường hợp đến bể bơi để cai nghiện game; để xa màn hình vì nghiện facebook, chát chít ảo. Bên hồ bơi Trường Đại học Sư phạm, ông Hoàng Nhật Nhuận, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) không giấu diếm: Con trai đang học THPT, điểm học tập kém vì tối ngày chơi game. Tôi đưa cháu đến bể bơi được nửa tháng nay. Bố con cùng tập bơi sải, bơi bướm, bơi nhái… Việc tập bơi làm cháu dứt được màn hình vi tính. Cháu nhanh nhẹn, khỏe mạnh hơn và bắt đầu có hứng thú học tập.
Đáp ứng nhu cầu bơi lội của người dân, ngoài các bể bơi được xây dựng kiên cố, ốp gạch men truyền thống, các nhà đầu tư về loại dịch vụ này đã sử dụng một số loại bể bơi khác, như: Bể bơi lắp ghép, bể bơi di động và bể bơi khung chống kim loại. So với bể bơi truyền thống thì các loại bể bơi này được ghép nối, lắp ráp bằng khung kim loại kết hợp với bạt hoặc nhựa composite cao cấp chịu được tác động mạnh, có giá thành thấp hơn, nhưng lại tiện ích hơn vì có thể di chuyển từ khu vực này đến khu vực khác. Hoặc hết mùa nóng lại có thể thu gọn, bảo quản để đợi mùa hè sau mang ra sử dụng.
Qua khảo sát thực tế chúng tôi thấy: Hầu hết các bể bơi trên địa bàn của tỉnh đang mở cửa phục vụ đều chấp hành đầy đủ các quy định hướng dẫn của Nhà nước, như bảo đảm quy định về diện tích mặt nước bể, độ sau của nước bể và một số hạng mục bắt buộc trong khuôn viên bể bơi như mái che, phòng thay đồ, bể tắm tráng, phao cứu sinh, các thông số của mẫu nước đều được chủ cơ sở thực hiện đầy đủ, bảo đảm đạt yêu cầu quy định của Nhà nước. Về nhân lực phục vụ tại bể bơi, các nhân viên phục vụ đều là huấn luyện viên, hướng dẫn viên, vận động viên từ cấp II trở lên. Phần lớn các nhân viên cứu hộ đều đã tham gia lớp tập huấn và có chứng nhận cứu hộ do sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cấp. Để bảo đảm an toàn, cơ quan chức năng của tỉnh có yêu cầu trực tiếp với chủ bể bơi: Trong trường hợp có đông người tham gia bơi lội, tập luyện, yêu cầu chủ cơ sở bảo đảm cứ 50 người bơi lội, tập luyện có 1 nhân viên cứu hộ phục vụ.
Bể bơi vào mùa, sôi động, tấp nập. Không chỉ là nơi trốn nắng nóng, bể bơi còn là một trường học dạy cho con người kỹ năng sống sót khi sơ ý bị ngã xuống nước.