6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tiêm phòng cho gần 3,5 nghìn người nghi bị chó dại cắn. Cũng trong những tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã có 1 người chết do lên cơn dại. Những số liệu trên cho thấy bệnh dại vẫn chưa hết “nóng” và không nên chủ quan với căn bệnh chết người này.
Đã 4 tháng qua nhưng trường hợp tử vong do lên cơn dại của ông Nguyễn Văn Lưu, 70 tuổi ở tổ dân phố Thanh Xuân vẫn khiến dư luận khu vực phường Phố Cò (T.P Sông Công) xôn xao. Cuối năm 2017, sau khi bị con chó nhà cắn vào mu bàn tay, vết xước da chảy máu, ông Lưu đã tự dùng cồn và rượu rửa vết thương mà không đi tiêm phòng dại. Ít ngày sau, gia đình cũng bán con chó đã cắn ông Lưu. Đến đầu tháng 2-2018, ông Lưu có biểu hiện mệt mỏi, khát nước nhưng không ăn uống được và được người nhà đưa đến Bệnh viện C điều trị và sau đó được chuyển tiếp điều trị tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc dại lên cơn. Dù được cấp cứu, điều trị tích cực nhưng bệnh nhân đã tử vong chiều 5-2-2018.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Kim Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Sông Công cho biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã đến tận nhà tuyên truyền cho gia đình và nhân dân khu vực phường Phố Cò về bệnh dại và phòng chống bệnh dại đồng thời tổ chức giám sát, điều tra dịch tễ tình hình bệnh và các ca bệnh có nguy cơ phơi nhiễm trên địa bàn. Đây là trường hợp đáng tiếc bởi nhiều năm gần đây, thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh dại, T.P Sông Công không có trường hợp tử vong do lên cơn dại. Mỗi năm, toàn thành phố có hàng trăm người dân đi tiêm phòng dại. Riêng 6 tháng đầu năm nay, đã có 146 người nghi bị chó dại cắn được tiêm phòng tại Trung tâm Y tế Sông Công.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đã có gần 3,5 nghìn người được tiêm phòng do nghi bị chó dại cắn tại đơn vị trong những tháng đầu năm 2018. So với cùng kỳ năm 2017 (trên 5 nghìn lượt tiêm), dù lượng bệnh nhân có giảm nhưng tính trung bình mỗi ngày làm việc, đơn vị này tiêm phòng cho khoảng 25 bệnh nhân nghi bị chó dại cắn. Cá biệt, có nhiều trường hợp bị cho dại cắn nghiêm trọng, gây nguy cơ tử vong cao.
Mới đây nhất, ngày 22-6, Trung tâm đã tiếp nhận 4 bệnh nhân ở huyện Đại Từ bị một con chó cắn với thương tích nặng. Qua khai thác tiền sử bệnh, thì tất cả 4 bệnh nhân đều bị cùng một con chó lạ, màu đen lên cơn dại cắn. Riêng cháu Mạc Duy Mạnh, 6 tuổi, trú tại xóm Ao Mật, xã Hoàng Nông bị cắn vào vùng ngực, vai, tay, vết thương sâu, rộng phải khâu cầm máu. Theo người nhà cháu Mạnh, sáng 22-6, khi đang chơi ngoài đường, cháu Mạnh bất ngờ bị một con chó đen vồ lên người cắn vào ngực, vai và tay. Cháu lập tức được đưa lên Bệnh viện Đa khoa Đại Từ khâu vết thương và được giới thiệu xuống Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm phòng bệnh dại. Hai bệnh nhân khác ở xóm Khâu Giang và xóm Đồng Ngô xã Bản Ngoại thì bị con chó này chạy thẳng vào nhà cắn. Sau khi con chó chạy đến xóm Khâu Giáo, xã Bản Ngoại cắn chị Phùng Thị Thắng, 41 tuổi với vết thương khá nặng ở mặt thì bị người dân đập chết.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Phó Phòng khám Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Xác định chính xác là bệnh nhân bị chó dại cắn, chúng tôi đã chỉ định cả 4 bệnh nhân tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại. Còn ông Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ thì cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm đã tổ chức giám sát, điều tra dịch tễ tình hình bệnh và các ca bệnh có nguy cơ phơi nhiễm trên địa bàn. Qua đó, chúng tôi phát hiện thêm 1 trường hợp nâng tổng số người bị con chó dại kể trên cắn lên 5 người. Qua vận động của cán bộ y tế, toàn bộ 5 người bị chó dại cắn đã được tiêm phòng đầy đủ. Chúng tôi cũng đã yêu cầu tất cả các trạm y tế trên địa bàn thông qua đội ngũ y tế thôn bản nắm bắt nguy cơ và tuyên truyền để đông đảo nhân dân cùng phòng chống bệnh dại.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Oanh: Khi lên cơn dại, con chó sẽ có biểu hiện sợ hãi và có xu hướng chạy liên tục, nó sẽ cắn bất cứ ai, bất cứ con vật gì gặp trên đường trong phạm vi có thể lên đến 50km và sẽ truyền vi rút dại cho người và súc vật bị nó cắn. Những con chó nhà cũng có thể bị lây bệnh nếu liếm phải rớt rãi của con vật mắc dại. Vì vậy người dân cần lưu ý phòng không để bị chó, mèo cắn, cào, kể cả chó, mèo của nhà nuôi; không thả rông chó, mèo ra ngoài đường.
Cũng theo bác sĩ Hoàng Oanh, dù hiện chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh dại nhưng người dân hoàn toàn có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Khi bị chó, mèo cắn, cào, người dân cần phải xử lý bằng cách rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.