Đối với mỗi người phụ nữ được làm mẹ là một niềm hạnh phúc, nhưng đối với những người phụ nữ bị nhiễm HIV, mang thai lại là một quá trình thấp thỏm lo âu về tương lai của con mình. Được sự trợ giúp của Dự án phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhiều phụ nữ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đã rất may mắn khi con của họ sinh ra không bị nhiễm HIV.
Dự án phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2010. Theo đó, các hoạt động can thiệp được triển khai nhằm ngăn chặn từ xa để phụ nữ không bị nhiễm HIV, nếu phụ nữ đã nhiễm HIV thì không mang thai ngoài ý muốn, nếu phụ nữ nhiễm HIV mang thai thì được điều trị ngay bằng phác đồ thuốc ARV hiệu quả. Hiện nay, tất cả các cơ sở y tế có chuyên khoa sản ở tuyến tỉnh, huyện đều đã cung cấp gói dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ngoài ra 100% trạm y tế trong tỉnh cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Trường, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Đình (Phú Bình) cho biết: Ban đầu, khi đề cập đến xét nghiệm HIV tự nguyện, nhiều phụ nữ có thai tỏ ra hoang mang. Họ lo lắng việc tham gia xét nghiệm sẽ khiến gia đình và người thân nghi ngờ mình nhiễm HIV. Chúng tôi phải mời cả gia đình sản phụ đến để tư vấn, giải thích rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để người dân hiểu và chấp thuận.
Được biết, trong năm 2017, toàn tỉnh có trên 22.500 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV. Trong đó, phát hiện 29 trường hợp nhiễm HIV và đã có 25 trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV. Tất cả những phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều được cung cấp các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và được cấp thuốc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Tính từ năm 2010 đến thời điểm này, Dự án phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con của tỉnh đã tránh cho trên 200 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV không bị nhiễm HIV.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên chia sẻ: Đối với những phụ nữ nhiễm HIV mang thai, trong suốt thai kỳ, chúng tôi đã tiến hành tư vấn, chăm sóc thai sản, theo dõi và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong quá trình chuyển dạ, các bác sĩ liên tục theo sát quá trình sinh nở để giúp trẻ được sinh ra một cách thuận lợi và an toàn. Sau khi sinh, chúng tôi tiếp tục phối hợp với gia đình, tư vấn cho họ tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn về chăm sóc và điều trị cho trẻ sau sinh. Nếu người mẹ bị nhiễm HIV tuân thủ quá trình điều trị dự phòng theo đúng hướng dẫn, tỷ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm HIV sẽ giảm từ 30-35% xuống chỉ còn 5% hoặc có thể thấp hơn. Trung bình mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 3-5 phụ nữ nhiễm HIV, hầu hết trẻ sinh ra đều khỏe mạnh và âm tính với vi rút HIV.
Nói về kết quả Dự án phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Chị L.T.H ở xã Can Ngạn (T.P Thái Nguyên) xúc động: Tháng trước, khi cháu vừa đủ 18 tháng tuổi gia đình tôi đã tiến hành xét nghiệm HIV. Trong quá trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tôi vẫn luôn hy vọng nhưng không dám hoàn toàn tin tưởng. Nhưng thật may mắn cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Tôi rất vui mừng vì mình đã phát hiện bệnh sớm và tham gia điều trị để hôm nay con tôi có một tương lai tươi sáng hơn. Còn chị N.T.S ở phường Tân Long (T.P Thái Nguyên) cho hay: Tôi đã và đang tuân thủ chính xác các hướng dẫn của các bác sĩ. Mỗi khi có vấn đề gì chưa rõ, tôi đều đến trạm y tế và được các bác sĩ ở đây tư vấn tận tình cách chăm sóc cho cháu. Tuy phải đợi thêm một vài tháng nữa mới biết được kết quả chính xác sau khi xét nghiệm nhưng tôi tin rằng con mình tôi sẽ có kết quả âm tính với HIV.
Có thể khẳng định, việc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã đem đến những hiệu quả thiết thực. Góp phần tích cực vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Dự án; đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp nhằm tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; giới thiệu địa chỉ cơ sở cung cấp các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương. Cùng với đó, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, tư vấn và xét nghiệm HIV ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai đến khám thai tại các cơ sở y tế, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao. Tăng cường cơ chế phối hợp để chuyển gửi giữa cơ sở phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV với cơ sở chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, đảm bảo phụ nữ mang thai nhiễm HIV được đồng thời chăm sóc thai nghén và điều trị bằng thuốc ARV hiệu quả.