Luôn tận tình chăm sóc, dặn dò bệnh nhân một cách tỉ mỉ, chu đáo... trong việc điều trị, chống lại căn bệnh ung thư, đó là nhận xét của đa số bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Ung bướu khi nói về Tiến sĩ, Bác sĩ Đoàn Văn Khương, Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện C Thái Nguyên.
Như đã hẹn trước, chúng tôi đến gặp bác sĩ (BS) Khương vào một buổi sáng ngày thứ sáu. Dù rất bận với công việc, thế nhưng anh vẫn bớt chút thời gian để trò chuyện, chia sẻ với chúng tôi về nghề nghiệp mà anh đã theo đuổi hơn 20 năm qua. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Lào Cai, với mong muốn cứu chữa cho nhiều người bệnh, anh Khương đã thi và đỗ vào Khoa Bác sĩ Đa khoa (Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên). Vì gia đình đông anh, chị, em nên mọi chi phí học hành, ăn ở, anh phải tự đi làm thêm để kiếm tiền trang trải. Năm 1992, tốt nghiệp, ra trường và về quê nhưng anh không xin được việc. Và cũng cuối năm đó, anh Khương đã trở lại Thái Nguyên xin việc và được Ban Giám đốc Bệnh viện C đồng ý nhận vào làm việc ở Khoa Giải phẫu bệnh (đây là Khoa không ai muốn về làm vì có phần mổ xác và xét nghiệm tế bào mô bệnh học) và yêu cầu anh tự túc học thêm về chuyên khoa này rồi mới ký hợp đồng.
Năm 1995, anh được vào biên chế và được Bệnh viện cử phụ trách Khoa xét nghiệm. Trong quá trình công tác tại Khoa, anh Khương không ngừng trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, đồng thời học Thạc sĩ chuyên ngành Giải phẫu bệnh. Năm 2008, Khoa Ung bướu Bệnh viện C được thành lập, anh Khương được phân công về đây. Với đề tài nghiên cứu về Ung thư cổ tử cung, anh Khương đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ năm 2016.
Được thành lập 10 năm nay, Khoa Ung bướu là khoa lâm sàng, chuyên chẩn đoán, điều trị các bệnh nhân bị u lành và u ác tính; khám và phát hiện ung thư sớm. Anh Khương chia sẻ: Trong điều trị bệnh ung thư, quan trọng nhất là công tác dự phòng, được chia làm 3 bước là giảm bớt nguy cơ ung thư bằng chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh; khám và phát hiện sớm; chẩn đoán, điều trị đúng và kịp thời. Những bệnh nhân mắc ung thư thì có đến 85% người bệnh có dấu hiệu tâm thần như lo lắng, trầm cảm, rối loạn tâm thần thực sự... Do đó, khi điều trị, BS phải luôn kiên trì, động viên, tạo niềm tin cho bệnh nhân để họ yên tâm điều trị lâu dài.
Theo thống kê của Bộ Y tế, ở Việt Nam, hằng năm ước tính có 125.000 người mắc ung thư. Riêng ở Thái Nguyên, 1 năm ước tính có 1.000 người bị mắc mới căn bệnh này. Các loại ung thư gồm: phổi, gan, vú, đại tràng, dạ dày, máu, xương... Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư chủ yếu do di truyền; các yếu tố vật lý (nóng, lạnh, phóng xạ...); chế độ ăn uống (dư lượng thuốc tồn dư trong thức ăn...). Khi bị mắc phải căn bệnh này, chỉ có khoảng 30% số bệnh nhân được chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng cách, 99% bệnh nhân xin chuyển viện hoặc điều trị ở nước ngoài. Do vậy, việc tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân trong quá trình chữa bệnh là điều rất quan trọng. Ông Vi V. B, ở xã Tân Kim, huyện Phú Bình cho biết: Bị ung thư thực quản đã 1 năm nay, tôi không thể nuốt được thức ăn. Tôi cũng đã đi một số viện để khám và điều trị, nhưng tôi thấy các BS ở Bệnh viện C nhiệt tình, đặc biệt là BS Khương luôn tận tình, dặn dò tôi tỉ mỉ trong việc ăn uống, sinh hoạt để việc điều trị bệnh được tốt nhất nên tôi rất tin tưởng. Sau hai tháng điều trị ở đây, tôi thấy sức khỏe được cải thiện, tôi ăn uống tốt hơn.
Đi một vòng quanh một số phòng điều trị, chúng tôi thấy những bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư quái ác có vẻ mặt buồn bã, mệt mỏi, thậm chí bực tức, cáu giận. Anh Khương tâm sự: Với những bệnh nhân như vậy, BS phải luôn thông cảm, hiểu và chiều bệnh nhân. Khi nào bệnh nhân nguôi cơn giận mới từ từ giải thích cho bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân hiểu để có hướng điều trị phù hợp. Nói về những kỷ niệm trong quá trình công tác tại Khoa, anh Khương chia sẻ: Tôi nhớ mãi hình ảnh một bệnh nhân, sau khi đã đến khám ở một số viện, được chẩn đoán bị u đầu tụy (đây là loại u không chữa được). Bệnh nhân dường như không còn hy vọng với cuộc sống. Nhưng khi về Khoa ung bướu, tôi đã sinh thiết, chọc lấy mô bệnh học hạch ở thành bụng và chẩn đoán bệnh nhân đó mắc u Lympho (hay còn gọi là u hạch), sau khi điều trị hóa chất một thời gian, bệnh nhân đã hoàn toàn khỏi bệnh. Khi đó, tôi rất vui vì đã cứu thêm được một người bệnh. Hơn cả, tôi thấy yêu nghề của mình hơn.
Với những bệnh nhân mắc ung thư (đặc biệt là những bệnh nhân đang điều trị ở giai đoạn cuối) không những đau đớn về thể xác mà còn kiệt quệ cả về tinh thần. Vì vậy việc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân đỡ khổ là việc làm cần thiết, là bổn phận, trách nhiệm của người thầy thuốc, thời gian tới, tôi sẽ nâng cao tỷ lệ bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tại nhà; đồng thời tăng cường khám sàng lọc, phát hiện thêm nhiều bệnh nhân ung thư sớm để có phương pháp điều trị phù hợ - Anh Khương cho hay.
Nhận xét về BS Khương, bà Lê Thị Thập, Phó Giám đốc Bệnh viện C cho biết: BS Khương không chỉ là BS luôn tận tâm, tận tình chăm sóc cho người bệnh mà còn là người luôn quan tâm, động viên về tinh thần cho bệnh nhân bị ung thư để họ vượt qua mặc cảm, yên tâm điều trị lâu dài. Với những cống hiến đó, BS Khương đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2016-2017.