Khoảng 18 giờ ngày 29-7, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên đã tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Việt Hoàng (28 tháng tuổi), ở tổ 13 phường Tân Thành, T.P Thái Nguyên) trong tình trạng toàn thân tím tái, tiểu tiện không tự chủ, gọi không biết.
Theo gia đình bệnh nhân, khi ở nhà, cháu Hoàng có ăn quả nhãn cùng gia đình, nhưng vừa ăn vừa chơi. Sau đó, gia đình thấy cháu ho sặc sụa, trợn mắt, mồ hôi vã nhiều, toàn thân tím tái. Gia đình đã móc tay vào miệng, họng cháu để lấy quả nhãn ra nhưng không được. Thấy cháu thở chậm, khò khè, gia đình đã nhanh chóng đưa cháu đến Bệnh viện Gang thép. Tại đây, cháu Hoàng đã được các bác sĩ Khoa Cấp cứu chống độc và Khoa Tai - Mũi - Họng kịp thời cấp cứu, kiểm tra tại vùng hạ họng và thấy có quả nhãn chèn vào vùng tiền đình thanh quản. Xác định đây là dị vật đường thở, các bác sĩ đã nhanh chóng hút sạch đờm rãi, lấy được dị vật ra khỏi đường thở. Hiện, cháu Hoàng đã qua cơn nguy kịch, nhận ra được người thân trong gia đình, sức khỏe dần hồi phục.
Được biết, ngày 28-7, cháu Phạm Thị Quỳnh (2 tuổi) ở xóm Hòa Khê 2, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) bị hóc hạt nhãn dẫn đến tử vong.
Tình trạng hóc dị vật (quả nhãn, hạt lạc, viên bi, quả pin tiểu...) đường thở xảy ra khá phổ biến đối với trẻ từ 2-4 tuổi. Để phòng tránh, các bác sĩ cũng khuyến các bậc cha mẹ cần lưu ý: Không cho trẻ ngậm, chơi những đồ vật có kích thước nhỏ; tránh ép trẻ ăn khi trẻ đang khóc, đùa nghịch; không cho trẻ tự ăn những loại quả có hạt nhỏ (nhãn, na, hồng xiêm..) hoặc nếu ăn phải có sự giám sát của người lớn... Khi trẻ bị hóc dị vật, người nhà bệnh nhân cần tránh dùng tay móc dị vật nếu không nhìn thấy rõ vì có thể làm dị vật xâm nhập sâu hơn vào đường thở, làm trẻ suy hô hấp nặng hơn; khuyến khích bệnh nhân ho (khi còn tỉnh táo) rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất; trường hợp bệnh nhân không ho được, cần nhanh chóng làm liệu pháp vỗ lưng, ấn ngực để mở thông đường thở, đồng thời gọi cho cơ sở y tế gần nhất; khi dị vật đã ra khỏi cơ thể, gia đình vẫn nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để khám lại...