Nhìn bề ngoài nấm “ma túy” không khác gì một cây nấm dùng làm thực phẩm, chế biến món ăn hàng ngày. Tuy nhiên, bên trong nấm “ma túy” lại chứa psilocybin và psilocin – một loại ma dược nguy hiểm, là nguyên nhân chính gây ra sự ảo giác và các trạng thái thức thần khác. Hiện nay, nấm “ma túy” nằm trong danh sách các chất bị cấm ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Liên tiếp phát hiện nấm “ma túy”
Trung tá Nguyễn Văn Cường, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP.Hải Phòng cho biết, cơ quan này vừa bắt giữ một vụ tàng trữ nấm “ma túy”. Theo đó, qua công tác nắm tình hình, các trinh sát đã phát hiện một nhóm đối tượng mua nấm “ma túy” về sử dụng.
Trước đó, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP.Hà Nội cũng phát hiện và bắt giữ một số vụ mua bán, vận chuyển “nấm thần” vào Việt Nam. Số nấm trên được các đối tượng mua ở nước ngoài, sau đó gửi theo đường bưu điện về Việt Nam. Bằng mắt thường quan sát thì những cây nấm trên không khác gì nấm ăn, cũng có mùi thơm tương tự nấm rơm. Tuy nhiên, bên trong đó chứa chất ma túy cực độc.
Qua kiểm định, phát hiện trong nấm có chất Psilocine và Psilocin. Hai hoạt chất này nằm trong danh mục 1- các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng cả trong y học lẫn đời sống xã hội của Nghị định 73/2018/ NĐ-CP quy định về danh mục chất ma túy và tiền chất.
Trung tá Nguyễn Văn Cường, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP.Hải Phòng cho biết nấm “ma túy” hay còn gọi là “nấm thần”, “nấm ảo giác”, “nấm ma thuật”, “nấm thức thần” (danh pháp khoa học: Psilocybe pelliculosa) là loài nấm thuộc họ nấm Cortinariaceae mọc khá phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới như Bắc Mỹ, Mexico, Nam Mỹ, bán đảo Scandinavia và vài vùng tại châu Á.
Loài nấm này biến đổi màu sắc kỳ ảo, khi thì màu nâu vàng có khi lại chuyển sang xanh lục hay lam. Loài nấm này khi ăn vào có thể gây ảo giác vì độc tính trong nó. Bởi vì tính chất thay đổi sắc màu đó mà loại nấm này được mệnh danh là nấm “ma thuật”.
“Nấm thần” có chứa psilocybin và psilocin, nguyên nhân chính gây ra sự ảo giác và các trạng thái thức thần khác. Hiện nay, “nấm thần” nằm trong danh sách các chất bị cấm ở nhiều nước.
“Mỗi cây nấm được cắt ra làm 2-3 phần, chân nấm dài có thể được cắt nhiều phần hơn nữa. Và mỗi miếng nhỏ như thế này sẽ có giá khoảng 500.000 đồng với hàng loại 1. Chất Psilocine và Psilotcin à những hoạt chất tự nhiên có sẵn trong cây nấm chứ không phải do tẩm ướp nên đem lại cảm giác dịu êm”, Trung tá Cường nói.
Trào lưu nguy hiểm trong giới trẻ
Bên cạnh trào lưu sử dụng bánh lười, cỏ Mỹ, cần sa thì trào lưu sử dụng “nấm thần” đang nổi lên như là một thú vui sành điệu của một bộ phận trong giới trẻ. Mỗi một lần trải nghiệm “nấm thần” được mô tả là một “trip” (chuyến đi) với cảm giác phiêu bồng, lơ lửng, hay thậm chí đạt tới "cảnh giới siêu nhiên". Vì một loạt tác dụng đưa người dùng vào trạng thái "thức thần" và "mơ hồ" như vậy, Psilocybe đã bị cấm tại nhiều nước trên thế giới.
Theo tìm hiểu của phóng viên, có khá nhiều trang mạng quảng cáo và giới thiệu về “nấm thần” như một sản phẩm “thần kỳ”.
Trang mạng này giới thiệu: “Những người trải nghiệm nấm thức thần sẽ gặp các hiệu ứng phấn chấn, mẫn cảm với âm thanh và màu sắc, sự bóp méo cảm xúc và thư giãn. Những cảm giác này kéo dài trong vài giờ, thấy như có 2 người trong 1 cơ thể của bạn... phấn khích vui vẽ, tương lai và hiện tại đóng băng lại”.
Trang này cũng viết: “Sau khi sử dụng khoảng 30 phút, bạn cảm nhận được từng nhịp đập của tim bạn từng giây từng giây. Bạn suy nghĩ về tương lai, quá khứ, hiện tại chiêm nghiệm về cuộc đời. Bạn sẽ có một chuyến đi đến thiêng đàng, về một miền đất hứa hay một cuộc thám hiểm một vùng đất mà chỉ có bạn là người tạo ra nó”.
Phía dưới lời quảng cáo, nhiều bạn cũng chia sẻ về những chuyến “trip”. Vì tò mò nhiều bạn trẻ đã liên hệ mua nấm để được trải nghiệm cảm giác “đặt chân lên thiêng đàng”, được trải nghiệm “miền đất hứa”.
Theo nghiên cứu, trong thành phần của loại nấm này có một hoạt chất gây ảo giác mạnh có tên gọi là psilocybin. Nấm thần được những dân chơi sành điệu đánh giá là “vật dẫn đường đến giác ngộ”.
“Lúc đầu sẽ có cảm giác hơi chóng mặt, nôn nao, mất thăng bằng. Sau đó là cảm giác buồn cười, có những chuyện không đáng cười nhưng vẫn có thể cười và cười sằng sặc. Mọi thứ xung quanh thay đổi hoàn toàn, đó là một thế giới khác hoàn toàn. Như thể có một phép màu nào đó làm thay đổi thế giới này”, - một người từng sử dụng nấm “ma túy” tâm sự.
Sẽ xử lý nghiêm mua bán nấm “ma túy”
Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), cho biết trong thời gian qua có một số chất ma túy xuất hiện ở Việt Nam như cỏ Mỹ, lá Khát … thời gian đầu chưa nằm trong danh mục cho nên đấu tranh với loại tội phạm này gặp khó khăn. Tuy nhiên, thông qua các hoạt động thực tiễn Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy thấy được việc xuất hiện các chất ma túy mới nên chủ động phối hợp với các cấp, các ngành và các cơ quan liên quan kịp thời báo cáo Chính phủ đưa các chất đó vào danh mục quản lý của Chính phủ để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2018/NĐ-CP đã cập nhập, bổ sung 514 chất ma túy vào danh mục cấm, 44 tiền chất vào danh mục kiểm soát chặt chẽ. Với những đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép nấm “ma túy” sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thượng tá Bùi Đức Thiêm cho biết, thời gian tới lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của các loại ma túy nói chung, ma túy mới nói riêng đến các tầng lớp nhân dân; trong đó, chú trọng đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Bởi vì, nhận thức của họ về tác hại của ma túy, còn rất hạn chế, họ cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp ít gây tác hại và khó gây nghiện.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, chỉ đạo hệ lực lượng tổng rà soát các cơ sở kinh doanh nhạy cảm (vũ trường, quán bar, karaoke,...) mà ở đó các đối tượng có thể lợi dụng để sử dụng ma túy. Trên cơ sở đó, có sự đánh giá chính xác về số lượng người nghiện và nghiện ma túy tổng hợp để có biện pháp quản lý, cai nghiện, phòng ngừa và đấu tranh phù hợp.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa 4 lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển trong phòng, chống tội phạm tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển; nhằm ngăn chặn nguồn ma túy tổng hợp từ nước ngoài vận chuyển trái phép về nước.