Vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước uống giải khát của người dân tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu đó, các quán nước bán trên vỉa hè cũng mọc lên nhan nhản. Tuy nhiên, điều đáng nói là đa phần các quán nước này đều không đảm bảo các tiêu chuẩn an về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng.
Sau giờ tan tầm, đi một vòng quanh các khu vực như: cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, chợ Sinh viên và một số cổng trường đại học trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều quán nước vỉa hè khách ra vào tấp nập. Có quán bán cà phê, quán bán nước mía, có quán bán trà xanh, nhân trần, nước sấu, chè, các loại sinh tố, nước ép hoa quả, hay các loại nước àoáng chai… Hầu hết các quán chúng tôi khảo sát đều sử dụng đá cây, loại chuyên dùng để ướp thực phẩm và người tiêu dùng không thể biết được loại đá này làm từ nguồn nước có đảm bảo vệ sinh hay không. Đối với nước mía, hầu hết các quán đều cạo sạch vỏ ngoài cây mía rồi đựng vào xô nhựa, không che đậy, mặc cho bụi bẩn và ruồi nhặng bám. Khách đến các quán nước giải khát vỉa hè đa số là học sinh, sinh viên, công nhân, lao động tự do...
Chúng tôi rẽ vào một quán chè rất đông khách ở gần cổng chợ Sinh viên. Người đi qua lại tấp nập thế nhưng những âu chè đựng đủ các loại chè đỗ đen, đỗ xanh, đỗ đỏ, trân châu… chẳng có cái nào được đậy điệm, mặc ruồi nhặng bay vo ve xung quanh. Đang vô tư thưởng thức ly chè đỗ đen, khi được hỏi, em La Thị Dung, sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông hồn nhiên cho biết: Vào cuối buổi chiều, bọn em thường tụ tập tại quán chè để tán gẫu hoặc trao đổi thông tin bài vở. Mỗi cốc chè có giá từ 10.000-15.000 đồng tùy loại. Giá cả phải chăng, tiện lợi, thỏa mãn cơn khát mà đỡ phải nấu nướng.
Còn tại khu vực cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, các quán nước mía, trà đá lúc nào cũng đông khách. Ông Nguyễn Văn Du, 56 tuổi, ở xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi xuống trông người nhà đang nằm ở Bệnh viện đã mấy ngày nay. Mặc dù biết không đảm bảo vệ sinh nhưng ngày nào tôi cũng ra cổng uống nước vì thời tiết quá nóng, hơn nữa lại tiện lợi, đỡ phải đi xa.
Khách hàng với tâm lý dễ dãi, xuề xòa, còn chủ hàng cũng "vô tư" không kém. Nhiều chủ quán nước vừa đếm tiền vừa lấy tay bốc đá bỏ vào cốc nước chè cho khách, dụng cụ và nước để pha chế đều không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Tuyết, một người bán nước ở dưới chân cầu vượt Đán, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) cho biết: Vào mùa hè, ngày nào tôi cũng bán hàng từ 7 giờ đến 23 giờ đêm. Ngoài bán nước, tôi còn bán thêm các loại đồ ăn vặt như hướng dương, hạt bí, xoài xanh, củ đậu, cóc… Nhìn chung, thời tiết càng nóng bức thì lượng khách vào quán càng đông, đặc biệt là vào những ngày có hội chợ hay các hoạt động văn nghệ, giải trí, trung bình mỗi ngày nhà tôi cũng kiếm được từ 300.000-400.000 đồng.
Có thể thấy, nước giải khát vỉa hè tiềm ẩn nhiều nguy cơ sinh bệnh do hầu hết được bày bán tại lề đường, lề chợ đông xe cộ qua lại, bị ảnh hưởng rất nhiều của khói, bụi dễ bị nhiễm độc từ nguồn nguyên liệu, xăng xe. Các nguyên liệu lại không được bảo quản cẩn thận mà chủ yếu là bày tràn lan cho khách hàng dễ nhìn. Bên cạnh đó, nuớc uống vỉa hè có màu sắc bắt mắt, hương vị hấp dẫn, giá rẻ nhưng công thức chế biến thường phổ biến gồm mùi hương và màu hoá chất nên khó đảm bảo chất lượng, thậm chí có thể gây hại đến sức khỏe người sử dụng. Nếu quá lạm dụng phẩm màu, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm (đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp) sẽ rất có hại đến sức khỏe, có thể gây ngộ độc cấp tính, về lâu dài nếu tích lũy cao có thể gây ung thư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Nguyên cho biết: Thông tư số 30/2010/TT-BYT ngày 5/12/2012 của Bộ Y tế quy định, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố là thức ăn, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định. Bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60cm... Tuy nhiên, có rất ít quán nước vỉa hè đạt được các tiêu chuẩn nói trên. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình.