5 năm trở lại đây, ngành Y tế Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến việc tuyển dụng và đạo tào đội ngũ bác sĩ. Đến nay, toàn tỉnh đã đạt khoảng 13 bác sĩ/10.000 dân (theo kế hoạch đề ra, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 có 12,5 bác sĩ/10.000 dân).
Theo chia sẻ của nhiều người dân trong tỉnh thì nhờ tăng số lượng các bác sĩ tại các có sở y tế nên chất lượng khám chữa bệnh cũng đã tăng lên rất nhiều. Chị Lê Thu Loan, xóm Đức Long, xã Khôi Kỳ (Đại Từ) nói: Mặc dù nhà tôi cách Bệnh viên huyện Đại Từ không xa nhưng tôi thích khám bệnh ở Trạm Y tế xã hơn vì bác sĩ ở Trạm rất nhiệt tình, trách nhiệm.
Nếu như ở các trạm y tế tuyến xã, nhiều loại bệnh thông thường của bà con được bác sĩ điều trị hiệu quả thì tại những bệnh viện lớn ở tỉnh, vô vàn ca bệnh khó cũng được phẫu thuật, điều trị rất thành công. Chị Hoàng Thu Trà, một người dân ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho hay: Cách đây hơn 1 năm, trong một lần va chạm xe máy trên đường, tôi bị gẫy đốt sống lưng. Khi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, toàn thân đau đớn, tinh thần hoảng loạn bởi tôi lo sợ phần đời còn lại của mình sẽ phải di chuyển bằng xe lăn. Tuy nhiên, thật may mắn, chỉ sau phẫu thuật 1 tuần, tôi đã có thể tập đi. Hiện nay, sau nhiều lần kiểm tra lại, phần đốt sống lưng bị gẫy của tôi đã hồi phục tốt.
Được biết, chị Trà chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân được điều trị thành công bằng phương pháp phẫu thuật điều trị chấn thương cột sống lưng của Bệnh viện Trung ương. Để đạt được hiệu quả điều trị những ca bệnh khó như thế này một phần là nhờ ngành Y tế của tỉnh đã quan tâm phát triển đội ngũ bác sĩ, nhất là những bác sĩ lành nghề theo hướng chuyên sâu. Theo thông tin từ Sở Y tế, thời điểm này, tổng số bác sĩ trên địa bàn tỉnh có 1.624 người, trong đó có 1.150 người đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập (bao gồm cả 179 bác sĩ làm việc tại các trạm y tế tuyến xã) và 474 người đang làm việc tại các cơ sở y tế ngoài công lập. Điều đáng nói là 50% bác sĩ, dược sĩ đã có trình độ sau đại học; 90,6% số trạm y tế có bác sĩ.
Từ việc phát triển đội ngũ bác sĩ, chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trong tỉnh được cải thiện rất nhiều. Người dân có thể lựa chọn các dịch vụ y tế theo mong muốn của mình. Chị Đinh Hồng Lan, một người dân ở tổ 9, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) nói: Tôi thấy, bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn đều đã phát triển được đội ngũ bác sĩ đảm bảo về số lượng và trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Những năm trở lại đây, thay vì phải về tận các bệnh viện lớn ở Trung ương để điều trị bệnh những ca bệnh khó thì người dân đã được đội ngũ bác sĩ điều trị ngay tại tuyến tỉnh, vừa giảm được chi phí khám, chữa bệnh, vừa giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Hơn nữa, đội ngũ bác sĩ trong tỉnh không chỉ đảm bảo được việc khám và điều trị bệnh một cách tốt nhất mà còn có thể giúp người dân kiểm tra sức khỏe thường xuyên, qua đó phát hiện kịp thời và phòng, tránh được các căn bệnh nguy hiểm như ung thư, suy thận...
Thực tế cho thấy, tỷ lệ bác sĩ/số dân của Thái Nguyên hiện nay đạt khá cao. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2020, dự kiến sẽ có nhiều bác sĩ đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, hằng năm, tốc độ gia tăng dân số tự nhiên cũng đòi hỏi số lượng các bác sĩ tiếp tục tăng lên. Vì lẽ đó, trong thời gian tới, ngành Y tế của tỉnh nên tiếp tục quan tâm tới việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế và hỗ trợ đào tạo bác sĩ chính quy theo địa chỉ sử dụng và liên thông trình độ sau đại học. Đặc biệt, tiếp tục có chính sách để thu hút, đãi ngộ bác sĩ có trình độ, chuyên môn sâu về làm việc tại cơ sở y tế công lập; có cơ chế thu hút và hỗ trợ nguồn nhân lực đối với các đơn vị y tế có tính đặc thù cao (tâm thần, pháp y, lao) và cho y tế xã ( xét cử các y sĩ đã có thời gian công tác trong ngành đi học lên bác sĩ và quay trở về nơi cử đi học công tác)...