Trước đây người nhiễm HIV/AIDS thường được mô tả với hình ảnh gầy gò, ốm yếu, da xanh xao... Trong khi thực tế do thời kỳ ủ bệnh kéo dài nhiều năm nên người nhiễm HIV vẫn khỏe mạnh bình thường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người hiểu sai, có người còn cho rằng nhìn bề ngoài có thể biết một người nhiễm HIV hay không mà không cần xét nghiệm.
Cần sự chủ động của mỗi người
Mặc dù HIV có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhưng trên thực tế, tỷ lệ người dân đi xét nghiệm HIV tự nguyện còn thấp. Cùng với nỗi lo bị kỳ thị, nhiều người thuộc nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV còn tự kỳ thị, họ ngại không chủ động xét nghiệm để có những biện pháp dự phòng. Ước tính, trên cả nước vẫn còn khoảng hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm HIV.
Trong khi với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay và mạng lưới các cơ sở y tế rộng khắp, việc xét nghiệm sàng lọc HIV vốn được thực hiện đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện và được bảo mật thông tin.
Hiện nay, tại Việt Nam hầu hết các cơ sở y tế đều có thể xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm lây nhiễm HIV. Theo báo cáo, cả nước có khoảng hơn 1.000 cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm sàng lọc HIV. Ngoài các cơ sở y tế, xét nghiệm HIV tại cộng đồng thông qua các cán bộ y tế thực hiện lưu động hoặc do các nhân viên tiếp cận cộng đồng được hướng dẫn, tập huấn cũng có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV tạo điều kiện thuận lợi để người dân được chủ động xét nghiệm HIV khi có nhu cầu.
Chủ động xét nghiệm HIV chẳng phải chỉ dành cho những người “không đứng đắn”, không chung thủy hay những người đã có những quá khứ ăn chơi sa đà, lầm lỗi mà hơn trên hết đó là sự chủ động của mỗi cá nhân cho cuộc sống tích cực ở tương lai của chính bản thân mình. Người Việt chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, nhất là khi còn cảm thấy khỏe. Tuy nhiên, một xét nghiệm máu và quick test với HIV hiện đang miễn phí ở nhiều trung tâm y tế hoặc mất phí không cao là việc mỗi cá nhân nên chủ động thực hiện cho bản thân và những người thân của mình.
HIV dễ dàng lây truyền khi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa máu hoặc dịch sinh học, do vậy không chỉ lây truyền từ mẹ sang con, tình dục, kim tiêm không an toàn mà khi có tai nạn, chữa trị, tiếp xúc không an toàn đều có thể lây truyền HIV. Chính vì vậy, việc tiếp cận sớm các dịch vụ này không chỉ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình mà còn là trách nhiệm của mình với gia đình, cộng đồng trong việc giảm lây nhiễm HIV.
Khi xét nghiệm và biết tình trạng nhiễm HIV sớm, người nhiễm sẽ được điều trị kịp thời. Dù chưa có thuốc điều trị HIV triệt để nhưng thuốc kháng virus ARV giúp người nhiễm HIV kéo dài cuộc sống, duy trì sức khỏe, có thể học tập và làm việc bình thường, giảm khả năng lây truyền cho người khác. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm và tuân thủ điều trị sẽ có tuổi thọ tương đương với người không nhiễm HIV.Làm gì khi nghi nhiễm HIV
Theo các chuyên gia phòng chống HIV, khi chẳng may bị vật sắc nhọn, bơm kim tiêm chích vào cơ thể có nguy cơ lây nhiễm HIV, người dân cần hết sức bình tĩnh, xử lý vết thương tại chỗ. Nếu tổn thương da chảy máu cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương.
Biện pháp nữa là rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt thì rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% nhiều lần. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc, được tư vấn và điều trị bằng thuốc ARV miễn phí nếu cần thiết.
“Hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo điều trị sau phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV càng sớm càng tốt. Tối ưu nhất trong vòng 6 giờ đầu và không quá 72 giờ sau phơi nhiễm”, TS Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết.
Đề cập đến hiệu quả của thuốc ARV, ông Cảnh cho biết, thuốc ARV sẽ giúp giảm tải lượng virus HIV trong máu và có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho vợ hay bạn tình qua quan hệ tình dục. Hiện nay, việc điều trị ARV rất đơn giản. Thuốc ARV được cấp miễn phí tại bệnh viện huyện hoặc trạm y tế xã.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng không đáng sợ nếu có hiểu biết đúng về bệnh này. Lây nhiễm HIV hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các biện pháp dự phòng như tình dục an toàn (bằng cách sử dụng bao cao su), sử dụng bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Quan trọng hơn cả, mỗi người dân nên tự chủ động làm xét nghiệm HIV theo định kỳ, khi biết bị nhiễm HIV thì người dân phải tham gia điều trị ARV để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho người thân và cộng đồng.