80% các lỗi vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thuộc về hành vi bất cẩn, hoặc sơ xuất trong khâu quản lý, chế biến là kết quả xử phạt hành chính từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh. Mặc dù các vi phạm chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng cũng là sự cảnh báo về các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Báo cáo kết quả hoạt động giám sát, thanh tra và kiểm tra của cơ quan chức năng về công tác quản lý ATVSTP trên địa toàn tỉnh từ đầu năm đến nay cho thấy: Tổng số tiền xử phạt hành chính các vi phạm quy định ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là gần 220 triệu đồng. Mức xử phạt hành chính giảm hơn so với cùng thời điểm năm 2016 là gần 60 triệu đồng, giảm hơn so với cùng thời điểm năm 2017 là 40 triệu đồng, nhưng lại tăng số vụ việc vi phạm (vi phạm xử lý hành chính) qua hoạt động kiểm tra. Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh đã tổ chức 232 đoàn thanh, kiểm tra ATVSTP các cấp, kiểm tra 5.092 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, qua đó phát hiện 1.046 cơ sở không đạt yêu cầu về chất lượng ATVSTP, chiếm tỷ lệ 21%, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đánh giá của Chi cục ATVSTP tỉnh, vi phạm chủ yếu là các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm ở môi trường vệ sinh không đảm bảo, điều kiện vệ sinh chung tại cơ sở chưa đạt yêu cầu, chưa thực hiện lưu mẫu thức ăn 24 giờ; chưa lập sổ ghi kiểm định 3 bước theo quy định của Bộ Y tế; sản xuất chế biến thực phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Đến nay việc phân cấp, phân công lĩnh vực quản lý đã rất cụ thể đến các địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc tích cực, thể hiện rõ nhất là xây dựng cơ chế giám sát và đưa vào hương ước, quy ước tại các khu dân cư. Điều này bắt buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình tham gia chế biến đều phải tuân thủ các quy định pháp luật về ATVSTP. Cũng nhờ cơ chế giám sát và nắm bắt dư luận xã hội tại cơ sở, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, sản xuất cá thể muốn tồn tại bắt buộc phải làm tốt và chấp hành đúng quy định, nếu không sẽ tự loại mình trong sự cạnh tranh của cơ chế thị trường. Trên thực tế, các cơ quan chức năng không thể thanh, kiểm tra liên tục. Chúng tôi chỉ kiểm tra đột xuất khi có tố giác, hoặc có dấu hiệu vi phạm, còn lại cơ quan chức năng phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát theo kế hoạch định kỳ hàng năm và có thông báo trước đến các đối tượng kiểm tra”. Trong tháng 7 và tháng 8-2018, thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ thường xuyên hàng năm của Chi cục ATVSTP cho thấy: Trong số gần 50 cơ sở kinh doanh nhà hàng có quy mô trên 100 suất ăn và cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh, có 5 cơ sở bị phạt hành chính với mức phạt gần 10 triệu đồng, 20 cơ sở bị nhắc nhở. Các vi phạm hành chính được cơ quan chức năng xử lý hoặc nhắc nhở tuy lỗi không nghiêm trọng nhưng cũng là sự cảnh báo việc chấp hành quy định pháp luật ATVSTP cần tốt hơn, và chính chủ cơ sở kinh doanh, chế biến phải sâu sát hơn trong quá trình hoạt động.
Theo khuyến cáo của Chi cục ATVSTP tỉnh, các nhà hàng, hộ gia đình chế biến, kinh doanh thực phẩm còn chủ quan khi huy động cả nhân viên không đủ điều kiện tham gia vào các hoạt động chế biến, kinh doanh… Dẫn đến dễ xảy ra nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm như: tiêu chảy, khuẩn tả, viêm gan B, C. Từ thực tế này cho thấy, bản thân người lao động cũng phải tự chủ động trang bị cho mình những điều kiện cần thiết khi tham gia vào các hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh có điều kiện.