Phải mất đến 2 năm, công đoàn các cấp và các ngành chức năng trong tỉnh mới giành được quyền lợi cho anh Vũ Minh Sơn (nguyên là công nhân Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo - NuiPhao Mining). Mới đây, anh Sơn đã được xác định đủ điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định.
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Sơn kể: Đầu năm 2016, tôi bị ho, đau ngực và khó thở. Do vậy, tôi đã đi khám và được các bác sĩ kết luận bản thân bị bệnh phổi silic do nhiều năm làm việc trong môi trường khói bụi. Từ đó đến nay, khả năng lao động của tôi dần kém đi, thường xuyên khó thở và tức ngực, sức lao động suy giảm. Từ ngày 31-10-2016, tôi phải xin nghỉ việc.
Được biết, trước đó, anh Sơn là công nhân kỹ thuật nổ mìn thuộc nhóm nghề/công việc có tiếp xúc với bụi Silic (SiO2) tự do từ năm 2006 đến tháng 10-2016. Cụ thể từ tháng 2-2005 đến tháng 2-2012, anh Sơn là công nhân nổ mìn lộ thiên tại Mỏ than Phấn Mễ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên). Từ tháng 3-2012 đến tháng 10-2016, anh làm việc tại NuiPhao Mining với công việc công nhân kỹ thuật nổ mìn.
Anh Vũ Ngọc Cường, Chủ tịch Công đoàn NuiPhao Mining cho hay: Ngay từ khi nhận được thông tin về trường hợp của anh Sơn, Công ty đã tạo mọi điều kiện giới thiệu anh đi giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp để được hưởng các chế độ theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình làm hồ sơ cho anh Sơn, do các vướng mắc theo quy định của pháp luật về thủ tục và hồ sơ, chưa đủ tiêu chí để được Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương xác định mắc bệnh do nghề nghiệp. Nguyên nhân được xác định là do kết quả đo kiểm môi trường lao động trong suốt 10 năm tại nơi anh Sơn làm việc (2006-2016) chỉ có 2 năm 2008 và 2011 có nồng độ bụi SiO2 tự do vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Những năm còn lại, hoặc không đo kiểm hoặc nồng độ không vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Trong khi theo quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BYT ngày 15-5016 của Bộ Y tế quy định về Bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH, người lao động được xác định mắc bệnh bụi phổi silic mạn tính khi nồng độ bụi silic trong môi trường lao động vượt quá giới hạn tiếp xúc ca làm việc cho phép theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành trong thời gian tối thiểu 5 năm. Dù vậy, Công đoàn Công ty đã nỗ lực gửi văn bản đến các LĐLĐ tỉnh và các cơ quan liên quan để giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Anh Nguyễn Tấn Sơn, Trưởng ban Chính sách – Pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết: Trên thực tế, do cơ quan chức năng (Mỏ than Phấn Mễ, Trung tâm Y tế môi trường lao động công thương – Bộ Công Thương) không đo kiểm tra môi trường lao động tại địa điểm trong thời gian anh Sơn làm việc tại đây nên thiếu căn cứ để xác định thời gian đủ điều kiện hưởng chế độ cho người lao động. Tuy vậy, chúng tôi xác định đây không phải là lỗi thuộc về người lao động nên LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tối đa để anh Sơn được hưởng các chế độ theo quy định.
Nhận thấy đây là vụ việc vượt quá thẩm quyền, LĐLĐ tỉnh đã có văn bản gửi Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị giúp đỡ. Trong công văn trả lời của Tổng LĐLĐ Việt Nam vào ngày 14-5-2018 xác định: Qua hồ sơ, tài liệu kèm theo cho thấy đủ căn cứ khẳng định anh Vũ Minh Sơn mắc bệnh bụi phổi silic từ môi trường làm việc và trong thời gian làm việc. Vì vậy, Tổng LĐLĐ xác định việc anh Sơn được hưởng chế độ BHXH cho bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp theo danh mục do Nhà nước ban hành là chính đáng và hợp pháp. Vướng mắc do hồ sơ đo kiểm môi trường lao động và thời gian phát hiện và điều trị bệnh không phù hợp với Thông tư số 15/2016 của Bộ Y tế dẫn đến không giải quyết chế độ BHXH cho anh Sơn là không thỏa đáng, thiệt thòi cho người lao động. Do vậy, Tổng LĐLĐ đề nghị LĐLĐ tỉnh làm việc, yêu cầu Sở Y tế thành lập Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp để giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho anh Sơn.
Ngay sau đó, Sở Y tế đã thành lập Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp. Kết quả điều tra cho thấy, anh Sơn mắc bệnh bụi phổi Silic thể 3/3p đủ tiêu chí xác định do nghề nghiệp theo Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15.5.21016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH. Trên cơ sở đó, LĐLĐ tỉnh đã có công văn gửi các cơ quan liên quan yêu cầu thực hiện việc giải quyết chế độ bệnh nghề cho anh Sơn.
Chia sẻ về điều này, anh Sơn xúc động: Dù vụ việc kéo dài đến 2 năm những phía NuiPhao Mining và công đoàn các cấp đã luôn động viên, chia sẻ và giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi rất cảm ơn sự giúp đỡ của Công ty và các cấp công đoàn. Tuy vậy, hiện nay, tôi vẫn chưa nhận được chế độ do phía BHXH Thái Nguyên yêu cầu xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp (kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương giám định bệnh nghề nghiệp chỉ kết luận anh Sơn mắc bệnh bụi phổi Silic thể 3/3p, mà chưa xác định được tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp – PV). Hiện tại, tôi rất mong muốn được tạo điều kiện để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp do bản thân tôi hiện tại hầu như không thể lao động nên kinh tế gia đình đang gặp khó khăn.
Có thể khẳng định, trong suốt 2 năm qua, công đoàn các cấp và các cơ quan liên quan trong tỉnh đã rất nỗ lực, tạo mọi điều kiện hỗ trợ người lao động được hưởng chế độ theo đúng quy định. Vì vậy, thiết nghĩ, việc sớm chi trả chế độ BHXH cho anh Sơn là việc làm cần nhanh chóng thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như góp phần ổn định tâm lý, kinh tế cho gia đình.