Phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh ung thư

08:05, 10/08/2018

Ung thư đang trở thành gánh nặng lớn với xã hội bởi đây là bệnh có chi phí điều trị cao trong khi nguy cơ tử vong thuộc nhóm hàng đầu và chỉ sau bệnh tim mạch. Theo các chuyên gia, hiệu quả điều trị ung thư phụ thuộc nhiều vào giai đoạn phát hiện bệnh, nếu phát hiện sớm, bệnh nhân hoàn toàn có cơ hội khỏi bệnh. Tuy nhiên, do không được tầm soát hoặc thậm chí người bệnh chủ quan nên có tới 80% bệnh nhân ung thư đến viện khi đã muộn.

Chỉ có 20% bệnh nhân phát hiện ung thư sớm và điều trị hiệu quả. Trong ảnh:  Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Văn Khương, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện C kiểm tra kế quả tế bào học chẩn đoán ung thư cho bệnh nhân nghi mắc ung thư vú

Chủ động đi khám sức khỏe định kỳ, bà Lương Thị Đông, 56 tuổi ở xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) phát hiện khối u đại tràng và được các bác sĩ kết luận ung thư vào tháng 5-2018. Được đánh giá là ở giai đoạn sớm nên bà Đông được chỉ định phẫu thuật sau đó ít lâu. Ca phẫu thuật thành công đã cắt bỏ khối u ra khỏi cơ thể và hiện nay sức khỏe của bà Đông đã ổn định. Dù còn phải điều trị hậu phẫu thêm một thời gian nhưng theo các bác sĩ, tiến triển sức khỏe của bà Đông rất tốt và bà có thể khỏi bệnh sau khi tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị hậu phẫu.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện có không nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư phát hiện sớm, điều trị kịp thời như bệnh nhân Lương Thị Đông nói trên. Bệnh nhân Đặng Thị V, 52 tuổi ở xã Dân Tiến (Võ Nhai) là một ví dụ. Bà V phát hiện mình bị ung thư vú từ năm 2016 và được các bác sĩ Bệnh viện K khuyến cáo nên phẫu thuật sớm nhất có thể. Tuy nhiên, nghe theo lời khuyên của người quen, bà V bỏ viện về nhà điều trị thuốc Đông y. Gần 2 năm, bà V đã điều trị với nhiều bài thuốc của của một số thầy lang khác nhau. “Có thầy lang còn khẳng định sẽ chữa khỏi bệnh cho tôi trong vòng 4 tháng” – bà V cho biết. Dù vậy, bệnh tình của bà V không những không thuyên giảm mà còn ngày càng trầm trọng hơn. Khối u trong vú bà V ngày một to và bệnh di căn sang cổ, xương… khiến bà đau đớn, mệt mỏi.

4 tháng trước, bà V quyết định nhập viện điều trị tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Tại đây, các bác sĩ nhận định bệnh ung thư vú của bà không được điều trị kịp thời nên đã bước vào giai đoạn muộn và không thể phẫu thuật. Bác sĩ Nguyễn Thị Chi - người trực tiếp điều trị cho bà V cho biết: Dù bà V đáp ứng khá tốt của phác đồ điều trị của Trung tâm nhưng bệnh của bà đã đi vào giai đoạn muộn nên chỉ có thể điều trị triệu chứng, kéo dài thời gian sống và giảm đau đớn cho bệnh nhân.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 125 nghìn bệnh nhân mắc ung thư trong đó, chỉ có 20% người bệnh phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và điều trị khỏi. 80% bệnh nhân còn lại phát hiện muộn và khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng. Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 94 nghìn người tử vong do ung thư.

Riêng với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, mỗi năm khám và điều trị cho khoảng 5 nghìn lượt bệnh nhân ung bướu đến từ các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc trong đó có khoảng 3 nghìn bệnh nhân ung thư. Trao đổi với chúng tôi Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Không nằm ngoài thống kê chung của cả nước, tại Trung tâm Ung bướu, có đến 80% bệnh nhân ung thư đến viện đã rơi vào các giai đoạn muộn khiến việc điều trị không hiệu quả. Một số bệnh nhân thậm chí rơi vào giai đoạn rất muộn nên tử vong không lâu sau khi phát hiện được bệnh. Hầu hết người bệnh đều không quan tâm đến việc khám bệnh định kỳ, chỉ khi có những triệu chứng lâm sàng rõ ràng như: nuốt khó, nổi hạch, nuốt nghẹn, khó thở, đau… thì mới đi khám và khi phát hiện ra bệnh ung thư thì không thể điều trị khỏi bệnh mà chỉ điều trị triệu chứng theo diễn tiến của bệnh.

Tại Bệnh viện C - một cơ sở y tế hàng đầu của tỉnh trong điều trị ung bướu, lượng bệnh nhân đến viện điều trị ung thư khi bệnh bước vào giai đoạn muộn cũng chiếm tới 80%. Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Văn Khương, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện C cho biết: Mấu chốt để chữa khỏi và giảm gánh nặng của bệnh ung thư là dự phòng và phát hiện sớm. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bệnh nhân do thiếu kiến thức về ung thư nên khi đến bệnh viện khám thì bệnh đã ở giai đoạn rất muộn. Có khoảng 800 trong tổng số 1.000 bệnh nhân ung thư phát hiện mỗi năm tại Bệnh viện C rơi vào giai đoạn bệnh muộn và không thể chữa khỏi. Chỉ có khoảng 200 bệnh nhân được chữa khỏi do được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Theo tiến sĩ Đoàn Văn Khương, để giảm gánh nặng cho xã hội, giảm quy cơ tử vong do bệnh ung thư, cần thực hiện tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư. Mỗi người nên thực hiện kiểm tra sức khỏe toàn diện định kỳ ba năm một lần ở lứa tuổi 20-40 và mỗi năm một lần nếu trên 40 tuổi và tập trung vào tầm soát tuyến giáp, miệng, da, các hạch lim-phô, tinh hoàn, vú và buồng trứng... Phụ nữ trong độ tuổi 20-39 cũng nên siêu âm kiểm tra ngực ít nhất 3 năm/lần. Từ 50 tuổi, cả nam lẫn nữ nên làm một trong các xét nghiệm: thử tìm máu trong phân hằng năm và nội soi trực tràng, nội soi ruột. Với người có nguy cơ cao viêm gan siêu vi, từ 40 tuổi trở lên nên khám lâm sàng và siêu âm bụng 2-3 năm/lần để tầm soát ung thư gan. Ngoài ra, bước vào tuổi 40, người có tiền sử viêm loét dạ dày nên được nội soi dạ dày và có thể kèm thêm thử tìm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) đồng thời chụp dạ dày có cản quang để phát hiện sớm ung thư dạ dày. Từ tuổi 60, đàn ông nên được thử dấu hiệu sinh học có thể kèm thêm thăm khám trực tràng để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt. Đàn ông trên 40 tuổi nghiện thuốc lá nặng trên 10 năm nên chụp phim phổi 1-2 năm/lần.

Ngoài những biện pháp tầm soát bệnh kể trên, để không mắc ung thư, theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên mỗi người cần chủ động phòng bệnh bằng cách duy trì cuộc sống lành mạnh, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên và duy trì chế độ ăn khoa học, cân bằng đủ chất, chú trọng bổ sung thực phẩm xanh như: rau, hoa quả, ngũ cốc… “Duy trì cuộc sống lành mạnh không chỉ phòng bệnh ung thư mà còn phòng chống bệnh tật nói chung và giúp mỗi người có cuộc sống khỏe mạnh từ đó có nhiều đóng góp cho gia đình và xã hội” – bác sĩ Ngô Thị Tính cho biết.