Việc mua thực phẩm hàng ngày là không thể thiếu với mỗi gia đình, nhưng không ai dám chắc là thực phẩm đó có bảo đảm an toàn hay không. Người tiêu dùng vẫn chủ quan và dễ dãi với việc sử dụng thực phẩm; cộng đồng dân cư thiếu giám sát, dẫn đến thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng vẫn bày bán khắp nơi trên thị trường.
Luật An toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2011, theo đó, Luật đã nâng cao hiệu lực pháp lý, thay thế Pháp lệnh trước đây, đồng thời phân công rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý (Y tế, Công thương, Nông nghiệp và PTNT) và nâng cao chế tài xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Cũng theo báo cáo của cơ quan Thường trực ATVSTP tỉnh - Chi cục ATVSTP, từ khi thực hiện Luật, bước đầu cho thấy việc các tổ chức, cá nhân đã bất đầu nâng cao nhận thức và chấp hành pháp luật về ATPT, tuy nhiên việc thay đổi nhận thức đến việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật còn nhiều khó khăn.
Cụ thể là người dân chưa hiểu sâu, hiểu rõ các hành vi, việc làm cụ thể như thế nào là vi phạm pháp luật về ATTP dẫn đến còn rất nhiều vi phạm từ thói quen, đến các quan niệm mang tính chất tập quán, nếp sống cũ… Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, cho biết: “Người dân không rõ hành vi mang một vài con gà, con lợn, bình rượu ngâm thuốc Bắc, rượu trắng…, ra chợ bán (mặc dù đó là sản phẩm do chính gia đình chăn nuôi, làm ra) mà chưa qua kiểm tra chất lượng hoặc trước đó đăng ký với cơ quan chức năng việc công bố suất xứ, các thành phần hóa, quy trình sản xuất… là vi phạm quy định pháp luật. Nếu sau khi người tiêu dùng sử dụng mà không để lại hậu quả nghiêm trọng thì có thể bỏ qua, nhưng nếu để lại hậu quả nghiêm trọng, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Luật. Trước những hành vi đó, với các cơ quan chức năng, bước đầu chỉ nhắc nhở, hoặc tịch thu, phạt hành chính và giáo dục nâng cao nhận thức cho đối tượng. Tuy nhiên khó nhất chính là hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến chủ yếu mang tính nhỏ lẻ tại các khu dân cư, cụm xã, chợ…nên khó kiểm soát và giáo dục pháp luật về ATTP khó lan tỏa trong đời sống xã hội”.
Theo thống kê của Chi cục ATVSTP, giai đoạn từ năm 2012 - 2015, việc xử phạt vi phạm hành chính về ATTP của các cơ quan chức năng mỗi năm mức độ xử lý vi phạm và nộp phạt hành chính không tăng (trung bình mỗi năm gần 1 tỷ đồng), nhưng số cơ sở vi phạm, vụ việc vi phạm mỗi năm tăng từ 100 - 200 vụ. Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh đã tổ chức được 232 đoàn thanh kiểm tra ATVSTP các cấp, kiểm tra được 5.092 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 1.046 cơ sở không đạt yêu cầu về chất lượng ATVSTP, chiếm tỷ lệ 21%, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng gần 6% so với năm 2016. Các vi phạm phổ biến trong khâu chế biến, lưu thông. Riêng trong quý II năm 2018, ngành Y tế đã xử phạt gần 200 cơ sở vi phạm, thu nộp ngân sách gần 300 triệu đồng; ngành Công thương phát hiện và xử phạt hành chính, nộp ngân sách trên 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn xử lý các vi phạm khác và chuyển cơ quan chức năng giải quyết xử lý phạt vi phạm hành chính 114 vụ, nộp ngân sách trên 100 triệu đồng.
Vậy vấn đề đặt ra là phải chưng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, hay các cơ quan chức năng còn “nương nhẹ” với các vi phạm, khiến cho tình trang vi phạm ngày càng có chiều hướng gia tăng? Theo ông Đỗ Văn Ninh, Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên, cho biết: “Đối với hoạt động kiểm tra, thanh tra nói chung, không phải lúc nào cũng thanh, kiểm tra. Riêng về lĩnh vực ATVSTP có đến 3 ngành quản lý và 4 ngành có thể thanh kiểm tra (3 ngành: Y tế, Công thương, Nông, lâm nghiệp và cơ quan điều tra). Nếu không phối hợp tốt thì đi đâu cũng gặp kiểm tra, như vậy sẽ vô hình cản trở, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và lưu thông…kìm hãm sự phát triển. Nhưng qua thực tế cho thấy, càng kiểm tra thì lại càng thấy nhiều vi phạm, mặc dù mức độ vi phạm không quá nghiêm trọng. Điều đó cho thấy công tác tuyên truyền, vận động và hoạt động giám sát tại khu dân cư trong cộng đồng còn hạn chế. Chính quyền sở tại còn buông lỏng. Cơ quan chức năng không thể thanh, kiểm tra theo hình thức “quét” cho sạch mà cái chính từ ý thức, trách nhiệm người dân, cũng như chính quyền cơ sở phải tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Đối với cơ quan chức năng, thời gian gần đây đã tăng cường nhiều biện pháp xử phạt có tính tăng nặng. Nhưng quan điểm quản lý là vẫn dùng hình thức nhắc nhở, tuyên truyền để có tính răn đe. Muốn pháp luật vào đời sống thì phải bắt đầu tư tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân tiếp cận, nâng cao nhận thức và chấp hành đúng. Nếu biết mà cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ xử phạt nặng”.
Thực tế các cơ quan chuyên môn đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về thực hiện ATVSTP, nhưng để giải quyết đồng bộ khâu quản lý, sản xuất, tiêu dùng đúng quy định ATVSTP rất cần sự vào cuộc từ cộng đồng xã hội và mỗi gia đình. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh mới có 700ha chè thực hiện chứng nhận sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP; 35ha rau và trên 1.000 điểm, hộ gia đình giết mổ động vật nhỏ lẻ không đủ điều kiện vẫn tồn tại trong các khu dân cư. Về hoạt động tự kiểm định và tự công bố sản phẩm thực phẩm theo Nghị định 15/2018/ND-CP về cải cách hành chính trong quản lý ATVSTP và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thì đến nay mới có 53 cơ sở (53 hồ sơ sản phẩm)/gần 13 nghìn cơ sở hiện có trong toàn tỉnh làm thủ tục tự công bố tại cơ quan chức năng. Qua những số liệu này có thể thấy việc tuân thủ pháp luật về ATVSTP còn nhiều hạn chế.