Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trong đó chủ yếu là ĐTĐ týp 2 thường được phát hiện muộn với những biến chứng nặng nề, nó không chỉ làm sức khỏe của người bệnh dần suy kiệt mà họ còn phải chi phí rất lớn cho việc điều trị bệnh cũng như các biến chứng.
ĐTĐ là bệnh đã có từ lâu, nhưng đặc biệt phát triển trong những năm gần đây, bệnh tăng nhanh theo tốc độ phát triển của nền kinh tế - xã hội. Năm 1994, toàn thế giới có 110 triệu người ĐTĐ, năm 1995 tăng lên 135 triệu (4% dân số thế giới). Ước tính của Liên đoàn ĐTĐ Quốc tế (IDF) số người mắc bệnh ĐTĐ năm 2010 là 246 triệu người, năm 2014 là 422 triệu người, tốc độ gia tăng của bệnh ĐTĐ là 55% mỗi năm. Dự kiến số người ĐTĐ sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040.
Khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) hiện chiếm tỷ lệ bệnh ĐTĐ cao nhất (chiếm khoảng 37%). Theo ước tính có 9,3% người trưởng thành từ 20-79 tuổi mắc bệnh đái tháo đường tương ứng với 153 triệu người mắc bệnh ĐTĐ ở khu vực này. Trong đó có trên 50% người mắc ĐTĐ không được chẩn đoán, đáng chú ý là 61% sống ở các thành phố và đô thị lớn, 80% người mắc bệnh ĐTĐ sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo dự đoán của các chuyên gia y tế thế giới, trong vòng 20 năm tới bệnh sẽ tăng 42% ở các nước công nghiệp phát triển, trong khi những nước đang phát triển tỷ lệ bệnh sẽ tăng tới 170%.
Bệnh ĐTĐ tăng nhanh tại Việt Nam
Việt Nam nằm trong khu vực Tây Thái Bình Dương - Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch thế kỷ “Bệnh đái tháo đường”.
Bệnh ĐTĐ phát triển nhanh, năm 1990 ở Hà Nội có tỷ lệ 1,2%, Huế 0,96%, TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ 2,52%. Theo điều tra năm 2001, tỷ lệ bệnh đái tháo đường týp 2 ở các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh tỉ lệ đái tháo đường là 4,9%, tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose là 5,9%. Tỷ lệ người có yếu tố nguy cơ phát triển đến đái tháo đường, chiếm tới 38,5% (lứa tuổi 30-60). Do trình độ hiểu biết còn hạn chế, người bệnh mắc ĐTĐ ở Việt Nam thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, đến bệnh viện khi đã có những biến chứng nặng nề.
Năm 1997 toàn thế giới chi cho chữa bệnh ĐTĐ vào khoảng 1.030 tỷ đôla Mỹ, riêng nước Mỹ với 15 triệu người mắc bệnh ĐTĐ đã phải tiêu tốn 98,2 tỷ đôla. Ở các nước công nghiệp phát triển chi phí cho bệnh ĐTĐ thường chiếm từ 5-10% ngân sách dành cho y tế. Đến năm 2013, theo ước tính chi phí trực tiếp và gián tiếp cho bệnh ĐTĐ khoảng 827 tỷ đô la Mỹ. Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế ước tính chi phí cho căn bệnh ĐTĐ đã tăng gấp 3 lần từ năm 2003 đến năm 2013. Một nghiên cứu khác ước tính chi phí toàn cầu cho bệnh ĐTĐ hàng năm là 1,7 nghìn tỷ USD, trong đó 900 tỷ USD là của các nước phát triển, 800 tỷ USD là của các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Gánh nặng chi phí bệnh tật
+ Chi phí trực tiếp: gồm những chi phí mà người bệnh và gia đình họ phải trực tiếp gánh chịu, những chi phí trực tiếp của ngành y tế chi cho người bệnh.
+ Chi phí gián tiếp: là những chi phí mà người ĐTĐ gián tiếp gây ra cho nền kinh tế xã hội, do họ mất khả năng lao động, tàn tật, nghỉ hưu sớm trước tuổi, những chi phí về thuốc men, phương tiện đi lại, điều kiện sinh hoạt,... mà xã hội phải giành cho họ. Trong thực tế nhóm chi phí này cao hơn chi phí trực tiếp nhiều lần.
+ Chi phí vô hình: là giá phải trả của bệnh ĐTĐ giành cho bản thân người ĐTĐ, cho gia đình họ, cho xã hội (như các stress, nỗi đau đớn, buồn chán,...). Đây là loại chi phí không thể tính bằng tiền, nhưng lại là vấn đề xã hội rất lớn. Vì thế để nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh ĐTĐ không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành y tế, mà là của cả xã hội.
Ở Việt Nam, tuy chưa có điều kiện để nghiên cứu về các chi phí gián tiếp và chi phí vô hình, nhưng chỉ tính riêng các chi phí trực tiếp cũng đã là gánh nặng cho mỗi cá nhân và cả nền kinh tế, cho xã hội. Mức chi phí bình quân cũng thay đổi tuỳ thuộc vào số lượng và mức độ các biến chứng. Đa số người bệnh không đủ khả năng chi trả cho việc điều trị ĐTĐ.