Vươn lên để sống có ích

17:37, 14/10/2018

Họ là những phụ nữ có HIV, họ đã phải trải qua những năm tháng đau khổ nhất đời người để sống có ích cho mình, cho xã hội.

“Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới/ Như cánh chim trong mắt của chân trời/ Ta đã chán lời vu vơ, giả dối/ Hót lên! dù đau xót một lần thôi”. Tôi xin mượn lời của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm để bắt đầu câu chuyện với những người phụ nữ nhiễm HIV ở T.P Thái Nguyên tôi gặp. Vì các chị là những phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường, dám nói ra nỗi đau nhất của cuộc đời mình để mong ở tương lai, không có người bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ. 

Chị Hoàng Thị Hiền (Quang Vinh) là một người như thế. Bạn bè ai cũng khen chị đẹp, có đôi mắt sáng và làn da “em bé”. Nhưng chị Hiền là một người đẹp không may mắn. Qua bạn bè chúng tôi biết: Sau ngày chồng mất (năm 2007), chị cùng con gái dọn về ở với bố mẹ đẻ ở phường Đồng Quang, và kiếm sống bằng gánh hàng hoa bên phố. Thu nhập chưa dư dả nhiều, nhưng chị tìm được niềm vui ở công việc và lời bi bô con trẻ.

Chị Hiền kể: Năm 2004, 25 tuổi, em lấy chồng. Chồng em ít học, nhưng lại biết kiếm tiền và rất yêu thương vợ. Sau ngày cưới hơn 1 năm, em vào bệnh viện sinh con. Lúc cháu Phương (con em) cất tiếng khóc chào đời, cũng là lúc em biết mình bị bệnh HIV. Tối hôm đó, chồng em thú nhận bị vướng vào căn bệnh thế kỷ từ năm 2002 khi đang làm công nhân ở khu công nghiệp một tỉnh phía Nam. Chồng em đã khóc rất nhiều khi nói xong câu này. Em cũng khóc. Khóc cho mình, cho con và cho cả những người thân phải chịu tiếng đời mai mỉa.

Giây khắc trải lòng ấy, tôi mới biết từ lâu Hiền đã âm thầm khóc mỗi đêm, nhưng chưa bao giờ rơi nước mắt trước mọi người. Hiền là một trong rất nhiều những phụ nữ biết vượt lên mặc cảm về căn bệnh thế kỷ. Ngay ở T.P Thái nguyên, hàng trăm trường hợp phụ nữ không may mắn bị lây nhiễm căn bệnh HIV từ chồng; hoặc bị lây nhiễm do một phút nông nổi, học đòi chích ma túy; hoặc vì cần tiền mua sắm mà bán thân. Khi biết kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, có chị đã gào hét nghĩ đến cái chết; có chị lặng lẽ suy xét căn nguyên mình bị lây nhiễm HIV từ đâu.

Rơi vào hoàn cảnh bệnh tật như vậy, phần lớn các chị đều buồn nản, chán sống. Rồi các chị đều nhận ra một lẽ rằng: Nếu không đứng dậy, không làm việc thì sẽ chết đói trước khi chết bệnh. Và như bản năng tự vệ, các chị tự động viên mình chấp nhận chung sống với căn bệnh thế kỷ. Đều đặn mỗi ngày đều dùng thuốc ARV đúng giờ. Thuốc kháng vi rút HIV làm cơ thể mỏi dã dời, nhưng các chị tự xác định phải làm một nghề gì đó để kiếm sống. Như chị Trần Thị Minh, phường Trưng Vương, làm nghề bán hàng dong; chị Lê Thị Thanh, phường Quang Trung, làm nghề phụ hồ; chị Ma Thị Tình, phường Túc Duyên, buôn bán hoa quả. Mỗi người mỗi nghề, và công việc mang lại cho các chị niềm vui.

Ít tháng trước, tôi theo đoàn từ thiện đi tặng quà cho các cháu là con em hộ nghèo, khi đến thăm một gia đình ở xã Đồng Bẩm, nhà có cả vợ cùng chồng bị lây nhiễm HIV, tôi đã rất ngạc nhiên vì đây là một gia đình nghèo, nhưng sống ngăn nắp, nền nếp. Người chồng kiệm lời, kín tiếng, chỉ pha nước mời khách rồi lặng lẽ nghe chuyện. Còn người vợ, chị Hoàng Thị Mẩy mau miệng, kể: Nhà nghèo vì hay đau ốm, việc làm không ổn định nên không có thu nhập. Rồi chị bộc bạch: Chồng em cả đời chẳng đi đâu xa nhà, lại không chích choác ma túy, vì thế căn bệnh thế kỷ chắc là do em mang về. Vì trước ngày lên xe hoa, em có về Hà Nội làm tiếp viên nhà hàng. Rất may là con em âm tính với HIV. 

Ngồi uống cà phê trong quán, trò chuyện với chúng tôi, nhưng đôi mắt chị Bùi Thị Ngà (Đồng Quang) hướng chăm chắm ra dòng sông Cầu. Tôi thầm nhủ, giá như dòng nước miên man ấy mang đi cho chị bớt nỗi niềm bất hạnh, thì chị được vơi đi gánh nặng cuộc đời. Chị đẹp, là hoa khôi một thời. Nhưng câu “Hồng nhan bạc phận” vận vào cuộc đời chị. Vùi dập chị vào tăm tối, bất mãn, nhiều lần chị tự tử để giải thoát, nhưng không thành. Chị kể: Năm 2003, chồng chết vì căn bệnh AIDS, anh để lại cho tôi một con nhỏ 3 tuổi. Anh “đi” rất nhanh, hôm sinh nhật con gái, nghe bé Loan ngọng ngịu hát: “Ba là cây nến hồng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến vàng”... Vậy mà nửa tháng sau, “cây nến hồng” vụt tắt. Tôi tự động viên mình phải trụ vững, phải kiếm tiền nuôi con ăn học thành người.

Là “Gái một con trông mòn con mắt”, nhiều người đàn ông chấp nhận, vượt lên mọi rào cản đến với chị. Nhưng chị khước từ vì không muốn trong cuộc đời có thêm một người đàn ông bị khổ vì mình. Chị nhìn tôi, và vẫn cái giọng nhẹ nhàng, ngọt ngào dễ mến. Chị bảo: Tôi muốn chôn vùi nỗi đau HIV vào quá khứ. Nhưng càng muốn quên, thì đau đớn từ thẳm sâu đáy lòng lại giội lên. Vì thế, chẳng có cách nào khác là phải chấp nhận chung sống với căn bệnh này cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Để chị không buồn, tôi đọc cho chị nghe câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm “Còn sót lại trên bàn bông cúc tím/ Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi”. Chị Ngà ơi, đến một bông hoa cỗi còn có ích, huống hồ chị là một con người. Chị và bao phụ nữ không may phải mang trong cơ thể căn bệnh thế kỷ. Nhưng chị và những người đồng cảnh biết chấp nhận, tự vươn lên. Các chị đẹp như một loài hoa, khô ép xác vẫn tỏa hương dâng đời.

(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi).