Điều trị bệnh nhân đái tháo đường tại tuyến huyện: Lợi ích kép

08:54, 16/11/2018

Sau 8 năm Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ tiếp nhận phương pháp quản lý, điều trị bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đã cho thấy những lợi ích kép. Không chỉ giúp giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, điều trị tại tuyến huyện còn giúp giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại cho bệnh nhân…

Tháng 6 năm 2005, khi phát hiện mình bị bệnh đái tháo đường, bà Phạm Thị Thắng, tổ dân phố Phú Thịnh, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) gần như suy sụp. Bà cho hay: Hồi ấy, tôi chưa hiểu nhiều về căn bệnh này nên rất lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên, tinh thần và sức khỏe giảm sút.

Tuy nhiên, khi điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, được các y, bác sĩ giải thích, bà đã hiểu hơn về căn bệnh này và yên tâm phần nào. Từ đó, 1 tháng/lần, bà Thắng lại đi từ Đại Từ về Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên làm xét nghiệm máu và nhận thuốc. Sau một thời gian điều trị, chỉ số đường huyết của bà đã ổn định, không còn nguy cơ biến chứng nữa nhưng việc đi lại giữa Thái Nguyên và Đại Từ rất bất tiện. Sáng nào, bà cũng phải dậy thật sớm từ lúc 4 giờ, bắt xe đi về Thái Nguyên cho kịp giờ. Bà Thắng nói: Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường được theo dõi, điều trị tại Bệnh viên Trung ương Thái Nguyên rất đông, nếu đến muộn, phải xếp hàng mãi tận trưa mới tới lượt lấy máu làm xét nghiệm và đến tận chiều mới có kết quả nên bắt xe về Đại Từ rất khó khăn.

Được biết, ngoài bà Thắng, những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường trên địa bàn huyện Đại Từ cũng đều chung một hành trình khá nan giải giữa Đại Từ - Thái Nguyên như vậy. Tuy nhiên, từ năm 2010, khi Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chuyển giao phương pháp theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường cho Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ, người dân không phải đi lại vất vả như trước đây nữa. Bác sĩ Trần Văn Phượng, Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ (Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ) cho biết: Hiện nay, có khoảng 800 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đang được theo dõi, điều trị thường xuyên tại Bệnh viện. Các bệnh nhân này có hồ sơ bệnh án (được số hóa), được phát sổ khám bệnh để được theo dõi. Định kỳ mỗi tháng/lần, bệnh nhân đến bệnh viên làm xét nghiệm máu, nhận thuốc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi Bệnh viện đã khoa huyện Đại Từ được chuyển giao phương pháp quản lý, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường trên địa bàn, người bệnh rất phấn khởi do tiết kiệm được thời gian và giảm chi phí đi lại. Theo bà Thắng, trước đây, phải đi về Thái Nguyên mất ngày, mất buổi thì giờ chỉ mất chừng 2 giờ đồng hồ là đã lấy được thuốc điều trị.

Điều đáng mừng nhất là từ khi đi vào quản lý, điều trị bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường ngay tại tuyến huyện, người bệnh (nằm trong hồ sơ quản lý của bệnh viện) không xuất hiện các tai biến, chỉ số đường huyết luôn ổn định. Hơn thế, thông qua các lần làm xét nghiệm, các y, bác sĩ cảnh báo trước cho người bệnh những nguy cơ tiềm ẩn từ bệnh đái tháo đường để họ có điều kiện theo dõi sức khỏe. Đồng thời tuyên truyền, tư vấn cho họ ăn những thức ăn có lợi cho sức khỏe; hướng dẫn họ các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này cho người thân… Bác sĩ Phương cho biết thêm: Một trong những lợi ích của việc quản lý, điều trị bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường ngay tại tuyến huyện chính là góp phần giảm tình trạng quá tải và áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.

Hiện nay, các bệnh nhân được theo dõi, điều trị tại Bệnh viên là bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2. Những bệnh nhân type 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối) vẫn phải chuyển về các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương. Vì vậy, Bệnh viện đang chuẩn bị cơ sở vật chất để thời gian tới sẽ tiếp nhận theo dõi và điều trị bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 ngay tại tuyến huyện.

Có thể thấy, với phương pháp quản lý, điều trị nêu trên đã mang lại lợi ích kép cho cả bệnh nhân và cả cho các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, bảo hiểm y tế chỉ cho phép kiểm tra chỉ số đường huyết đối với tất cả bệnh nhân đến khám bệnh tại bệnh viện 3 tháng/lần.

Bác sĩ Phượng cho rằng, nếu để 3 tháng/lần mới làm xét nghiệm thì rất khó phát hiện và phòng ngừa bệnh đái tháo đường cho các bệnh nhân đến điều trị bệnh tại bệnh viện (nhiều người có thể mắc nhiều loại bệnh một lúc). Quy định này đang can thiệp sâu và quá trình điều trị gây tâm lý ức chế cho các bác sĩ.

Thực tế cho thấy, khi các triệu chứng bệnh lý của bệnh đái tháo đường quá rõ ràng mới làm xét nghiệm thì không có hiệu quả trong phòng ngừa  nữa. Do đó, qua bài viết này, chúng tôi rất mong các ngành chức năng xem xét và có những quy định phù hợp với thực tế ở cơ sở để tạo thuận lợi cho cả bệnh nhân và các y, bác sĩ điều trị bệnh đái tháo đường.