Trong một chuyến đi cơ sở ở huyện Đại Từ gần đây, vì mải mê với công việc nên tôi không để ý đã quá giờ trưa. Tôi ái ngại xin lỗi gia chủ, nhưng chị Vân đã đon đả bê lên một mâm cơm thịnh soạn rồi vui vẻ nói: Trong lúc ông xã tiếp chuyện cô, chị đã nấu xong cơm rồi, cô không chê cơm quê thì ở lại ăn với anh chị cho vui!
Trước sự nhiệt tình của vợ chồng anh chị Vân tôi nhận lời ở lại. Mâm cơm có đủ thịt gà, thịt lợn, còn có cả đĩa cá kho thơm phức nhưng mỗi tội không có rau xanh. Tôi vui vẻ đùa: Anh chị qúy em quá hay sao mà mời ăn toàn thịt cá, em sợ béo lắm chỉ thích ăn rau thôi!
- Thú thật với cô, chị ra đầu ngõ mua nhưng quán bà Oanh bán hết rau rồi. Mới lại, ở xóm chị á, rau còn đắt hơn thịt cô ạ vì chả nhà nào trồng được rau xanh.
Câu nói của chị Vân khiến tôi hoài nghi, vì làm gì có chuyện ở vùng nông thôn đất đai, vườn bãi nhiều mà người nông dân lại không trồng rau sạch? Chúng tôi ở thành phố chỉ mong có thời gian về quê ăn bữa rau sạch cho thoải mái. Hoặc có ai ở quê đến nhà cho mớ rau, con cá… tôi còn thấy quý hơn những thứ vật chất cao sang khác.
Sau khi chia tay vợ chồng chị Vân, tôi quyết định đi tìm hiểu thực hư. Tôi cho xe chạy vòng qua mấy xã như Phúc Lương, Đức Lương, Tân Linh… thì qủa thật đúng như lời chị Vân nói. Cơ bản các hộ dân chỉ trồng rừng, chè, cây ăn qủa, hoặc để ruộng phơi trắng gốc rạ, họa hoằn mới nhìn thấu mảnh vườn nhỏ có vài loại rau đơn điệu, mọc èo uột. Cả huyện chỉ có một số xã, thị trấn như Hùng Sơn, Tiên Hội, Bản Ngoại... là quy hoạch được vùng trồng rau. Tôi đem chuyện chia sẻ với một số người bạn thì biết thêm, không chỉ ở nông thôn Đại Từ mà ở các huyện như Định Hóa, Võ Nhai… cũng thiếu rau xanh, các tư thương phải lấy rau từ thành phố Thái Nguyên hoặc nhập rau ở Đà Lạt, Sa Pa, Hà Nội... về bán.
Tôi hỏi mấy chị nông dân thì được biết nguyên do, ở nông thôn nhiều gia đình không trồng rau vì họ cho rằng, mất nhiều thời gian chăm sóc mà hiệu qủa kinh tế lại thấp, đất đai được tận dụng để trồng chè, trồng rừng, chăn nuôi… cho giá trị kinh tế cao hơn. Muốn ăn rau thì ra chợ mua hết 5-7 nghìn là xong.
Vậy mà bấy lâu nay, tôi lại nghĩ rằng cứ về nông thôn là thoải mái ăn rau sạch; ở chợ thành phố cũng có nhiều người bán hàng mượn danh “rau sạch nông thôn” để bán giá cao hơn, đắt hàng hơn… Nhưng thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy, rau thành phố đang được “chở ngược” về nhiều vùng ở nông thôn.
Sự trái khoáy này cũng là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ, bởi rau xanh, sạch là loại thực phẩm không thể thiếu trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình, góp phần quan trọng trong việc cân bằng các chất dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe người dân. Vậy mà trong khi người nông dân có đủ điều kiện về đất đai, nguồn nước, nhân công…lại không quan tâm đến việc trồng rau sạch, trước hết là phục vụ chính bữa ăn trong gia đình mình (?!).