Ở trẻ em, bên cạnh các bệnh về hô hấp, bệnh tiêu chảy cấp cũng rất thường gặp. Đây là bệnh lý do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, đa số các trường hợp nếu điều trị và chăm sóc đúng cách trẻ sẽ hồi phục tốt và khỏi bệnh trong một tuần. Sau đây là một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ.
Bù nước và điện giải bằng đường uống
Tiêu chảy cấp là một bệnh lý khá thường gặp ở trẻ em, được biểu hiện bằng tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước trên 3 lần trong 24 giờ và kéo dài không quá 14 ngày. Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, điều quan trọng nhất là bù nước và điện giải sau mỗi lần trẻ bị nôn hay đi ngoài, tốt nhất là sử dụng dung dịch oresol. Trên thị trường hiện nay có hai dạng thuốc chính là dạng gói bột và viên nén sủi bọt, ngoài ra còn có dạng dung dịch pha sẵn. Cần tuân thủ nguyên tắc “3 đúng” khi dùng oresol cho trẻ: đúng tỷ lệ, đúng cách uống, đúng liều lượng.
Đúng tỷ lệ nghĩa là pha thuốc với một lượng nước nhất định được ghi trên bao bì của gói thuốc, có loại cần pha với 120ml, 200ml, 500ml cũng có loại cần pha 1 gói thuốc với 1 lít nước. Việc pha quá loãng hoặc quá đặc không những không bù được nước mà còn có thể gây hại cho trẻ, có thể khiến trẻ bị rối loạn điện giải gây ra tình trạng mệt mỏi, co giật, buồn nôn.
Do nước oresol có vị lợ nên trẻ thường không thích uống nếu trẻ không quá khát. Không nên ép trẻ phải uống sẽ làm cho trẻ sợ hoặc dễ bị nôn. Nên uống một cách từ từ bằng thìa hoặc ngụm nhỏ, nếu trẻ bị nôn ra cần cho trẻ uống bù lại.
Về liều lượng sử dụng phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Với những trẻ dưới 24 tháng tuổi, số lượng uống mỗi lần khoảng 50 - 100ml và khoảng 500ml/ngày; với trẻ từ 2 tuổi - 10 tuổi, mỗi lần trẻ uống từ 100 - 200ml và mức sử dụng khoảng 1.000ml/ngày; trẻ từ 10 tuổi trở lên, cha mẹ có thể cho trẻ uống đến khi hết khát với mức sử dụng tối đa khoảng 2.000ml/ngày.
Dùng oresol cho trẻ bị tiêu chảy cấp cần thực hiện tốt 3 đúng để đạt hiệu quả tốt nhất.
Không dùng thuốc cầm tiêu chảy
Các thuốc này có tác dụng làm giảm nhu động ruột nên làm giảm số lần nôn và đi ngoài trong khi cơ thể trẻ lại đang cần thải trừ virut, vi khuẩn và độc tố gây bệnh. Khi đó trẻ vẫn bị tiêu chảy nhưng các tác nhân gây bệnh lại bị thải hồi rất chậm làm cho bệnh càng thêm kéo dài thậm chí nặng hơn.
Thuốc kháng sinh chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ
Thuốc kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp tiêu chảy cấp được xác định là do vi khuẩn. Tiêu chảy cấp do vi khuẩn thường sẽ biểu hiện bằng tình trạng phân có nhày mũi, có máu, xét nghiệm cấy phân có vi khuẩn. Khi đó trẻ cần được sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ. Cha mẹ không tự ý mua thuốc cho trẻ dùng vì nếu tiêu chảy do virut không cần dùng đến kháng sinh thậm chí còn làm cho tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn.
Một số thuốc trị tiêu chảy khác
Thuốc giảm tiết dịch đường ruột: Thuốc thường được sử dụng có thành phần chính là racecadotril như hidrasec. Thuốc này có tác dụng làm giảm lượng nước trong phân tuy nhiên không nhiều. Do đó thuốc cũng có tác dụng làm giảm được nguy cơ mất nước một phần. Ưu điểm của thuốc là an toàn, dễ uống, ít xảy ra tác dụng phụ và thường được dùng trong giai đoạn phân nhiều nước.
Men vi sinh: Men vi sinh là các vi sinh vật có lợi cho đường ruột, có thể dưới dạng cốm hoặc ống nước. Đây không phải là thuốc thiết yếu khi điều trị tiêu chảy cấp nhưng khi bổ sung có thể tăng vi khuẩn có lợi cho đường ruột và rút ngắn thời gian tiêu chảy. Tuy nhiên cần ưu tiên các thuốc cần thiết quan trọng trước sau đó mới đến men vi sinh, nếu trẻ phải uống quá nhiều thuốc và khó cho uống thuốc thì không nhất thiết phải dùng thêm men vi sinh.
Những lưu ý khác khi trẻ mắc tiêu chảy cấp
Cần cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ trong thời gian mắc bệnh, tiếp tục cho trẻ bú mẹ và cho trẻ ăn đủ bữa. Việc hạn chế cho trẻ ăn và kiêng nhiều loại thức ăn là một quan điểm sai lầm có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh của trẻ. Chỉ cần đảm bảo vệ sinh ăn uống và không nên cho trẻ ăn những thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn để lâu, có nhiều chất bảo quản và loại thức ăn có nhiều đường.
Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ sau mỗi lần trẻ nôn và đi ngoài, không để chất thải của trẻ là nguồn lây lan bệnh cho trẻ khác. Vùng hậu môn của trẻ cần vệ sinh sạch nhẹ nhàng tránh đau rát cho trẻ.
Khi điều trị tại nhà không hiệu quả hoặc thấy các dấu hiệu nguy hiểm như trẻ không ăn uống được, trẻ có dấu hiệu mất nước như mệt mỏi, lừ đừ, quấy khóc liên tục hoặc ngủ li bì khó đánh thức thì cha mẹ cần đưa trẻ đến viện ngay để được điều trị kịp thời.