Áp lực phụ huynh khiến bếp ăn không dám chế biến thịt lợn

08:05, 23/03/2019

Do nhận thức chưa đầy đủ về dịch tả lợn châu Phi và sự lo lắng có phần thái quá của phụ huynh đã gây áp lực, khiến bếp ăn tập thể tại các trường học không dám mua thịt lợn chế biến thành thức ăn cho học sinh. Thực đơn hàng ngày được thay thế bằng các món thịt khác đã làm giảm lượng thịt, hoặc đội giá thành cao hơn thịt lợn.

Bà Đặng Thị Hà, tổ 4, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) là chủ một cơ sở nấu ăn phục vụ các trường học bậc tiểu học trên địa bàn Thành phố cho biết: “Từ khi có dịch tả lợn châu Phi, ngày nào chúng tôi cũng nhận được điện thoại từ phụ huynh về việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thậm chí gay gắt đòi ngừng chế biến thịt lợn làm thức ăn cho học sinh. Nhiều phụ huynh đến tận bếp ăn giám sát và ngăn cản một cách quyết liệt, không cho chúng tôi chế biến thịt lợn. Chúng tôi và nhà trường, thậm chí cả y tế các phường sở tại giải thích là dịch không lây sang người, 100% thịt được nấu chín và có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm định đủ điều kiện nấu ăn… Nhưng phụ huynh không đồng ý”.

Còn cô Chu Thị Tuyết Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) phân trần: “Ban Giám hiệu các trường cũng tích cực tuyên truyền, thuyết phục để phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh dịch và an toàn thực phẩm… Nhưng dường như phụ huynh bị ảnh hưởng bởi những luồng dư luận không chính thống, nên tạo thành hiệu ứng, bất cứ lúc nào cũng có thể đến trường truy vấn về thịt lợn. Chúng tôi cũng lo lắng và bàn với đơn vị chế biến phục vụ bếp ăn bán trú thay đổi thực đơn cho phụ huynh an tâm. Song cũng không thể kéo dài việc sử dụng thực phẩm khác thay thế. Một số phụ huynh còn đề nghị không cho ăn cá thay thịt vì cho rằng cá cũng có thể bị nhiễm khuẩn từ dịch tả lợn châu Phi qua môi trường nước…”

Được biết, khẩu phần ăn bán trú tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ đã không đưa thịt lợn vào chế biến gần 10 ngày nay. Cũng như cơ sở nấu ăn phục vụ bán trú tại các trường tiểu học của bà Hà, bà Lại Thị Lý, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cho biết thêm: “Từ khi có dịch tả lợn châu Phi, lượng thịt lợn cơ sở chúng tôi nhập về chế biến phục vụ bữa ăn bán trú các trường tiểu học giảm từ 300kg/ngày xuống còn gần 100kg/ngày. Gần chục trường phụ huynh yêu cầu không cho con em ăn thịt lợn. Nhưng thay thế bằng thịt gà thì lượng thịt sẽ ít đi, vì gà thịt còn có xương, nội tạng… Mà tăng giá khẩu phần ăn không hề dễ dàng, sẽ chi phối đến hàng nghìn gia đình. Bên cạnh đó việc mua gà, cá hàng ngày thay thịt lợn cũng khó, khi giá cả leo thang từ 60.000 lên 75.000 đồng/kg (gà thịt), 120.000 lên 125.000 đồng/kg (cá thịt), lượng cung không đủ nhu cầu. Tình trạng này kéo dài, có thể chúng tôi phải tạm ngừng nấu ăn bán trú và phụ huynh phải tự lo bữa ăn trưa cho con em họ”.

Đối với doanh nghiệp cung cấp thực phẩm an toàn Thái Cương trên địa bàn T.P Thái Nguyên cũng gặp không ít khó khăn. Ông Đỗ Văn Cương, chủ doanh nghiệp chia sẻ: “Khi chưa có dịch tả lợn châu Phi, mỗi ngày doanh nghiệp cung ứng cho bếp ăn tập thể tại các trường học từ 2 -2,5 tấn thịt lợn, nhưng từ ngày 7-3 trở lại đây, lượng thịt lợn bán ra theo đơn đặt hàng thường xuyên giảm dần xuống mỗi ngày 2-3 tạ, và nay chỉ xuất bán được gần 1 tấn/ngày”.

Có thể thấy vấn đề nhận thức trong cộng đồng xã hội về dịch tả lợn châu Phi còn nhiều hạn chế. Chính từ việc nhận thức chưa đúng, chưa đủ, nhiều phụ huynh đã gây áp lực với bếp ăn bán trú và gây áp lực với các nhà trường. Mặc dù bếp ăn bán trú là do thỏa thuận giữa phụ huynh với các cơ sở nấu ăn, trên cơ sở giám sát, quản lý của nhà trường, nhưng với bếp ăn tập thể quy mô từ 500 đến 700 học sinh bán trú thì khó có thể tổ chức suất ăn theo thực đơn riêng cho từng học sinh. Từ thực tế này, rất cần có sự tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức về phòng chống dịch bệnh, cũng như kiến thức ATVSTP tại cộng đồng dân cư, tránh tình trạng tạo áp lực thái quá với nhà trường, bếp ăn dễ gây đảo lộn trật tự sinh hoạt, học tập của học sinh, ảnh hưởng đến thời gian lao động hàng ngày của phụ huynh.