Cần cộng đồng chung tay để chấm dứt bệnh lao

08:13, 24/03/2019

Bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm có mức độ nguy hiểm hàng đầu và trung bình mỗi năm nước ta vẫn có khoảng 130 nghìn người mắc lao mới, trong đó có hơn 5 nghìn bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Đây là một thách thức đối với công tác phòng, chống lao và đòi hỏi sự tham gia của cả cộng đồng để thực hiện mục tiêu thanh toán hoàn toàn bệnh lao vào năm 2030 theo kế hoạch của Chương trình chống lao Quốc gia.

Từ đầu năm 2019, ông Trần Hữu Thắng, tổ 14, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) đã thường xuyên bị tức ngực, khó thở kèm theo sốt nhẹ. Tháng 2, ông Thắng đến khám tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi và được chẩn đoán mắc lao đồng thời được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Ông chia sẻ: May mắn tôi được phát hiện bệnh kịp thời nên sau hơn 1 tháng điều trị tích cực, sức khỏe của tôi đã dần bình phục. Hiện giờ tôi đã có thể vận động thông thường mà không phải nằm tại giường như trước.

 

Được biết, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tiếp nhận và điều trị cho khoảng 1 nghìn bệnh nhân mắc lao mọi thể. Với đội ngũ y, bác sĩ lành nghề và hệ thống trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện liên tục triển khai các kỹ thuật mới như: Nội soi phế quản bằng ống soi mềm, thăm dò chức năng hô hấp, kỹ thuật thở máy, kỹ thuật nội soi màng phổi bằng ống soi mềm, nuôi cấy vi khuẩn lao nhanh bằng môi trường lỏng Mgit, kỹ thuật nuôi cấy định danh vi khuẩn lao kháng thuốc Gene Xpert… Từ đó, chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh được nâng lên. Bệnh viện cũng ứng dụng hiệu quả các phác đồ điều trị lao tiến bộ của thế giới vào điều trị qua đó, tỷ lệ bệnh nhân chữa khỏi bệnh đạt trên 90% trong đó có nhiều trường hợp lao nặng như: lao màng não, lao kê, lao toàn thể, ho ra máu nặng…

Tuy nhiên, để bệnh nhân điều trị khỏi hoàn toàn, theo các sĩ cần sự tham gia tích cực trong điều trị của bệnh nhân và sự hỗ trợ của y tế tuyến cơ sở, chính quyền địa phương và cộng đồng nơi người bệnh sinh sống. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim, Phó khoa Nội 4 cho biết: Bệnh nhân mắc lao chỉ điều trị tại bệnh viện một thời gian nhất định sau đó tiếp tục điều trị ngoại trú tại nhà trong thời gian 4 tháng đến khoảng 20 tháng tùy thể bệnh và tình trạng của bệnh nhân. Giai đoạn điều trị ngoại trú tại nhà là giai đoạn khó khăn nhất và nguy cơ cao xảy ra tình trạng không tuân thủ và thậm chí là bỏ điều trị dẫn tới nguy cơ bệnh tái phát cấp tính hoặc nghiêm trọng hơn khiến bệnh nhân bị lao kháng thuốc rất khó khăn trong điều trị.

Xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) tuy không phải là địa bàn trọng điểm mắc lao nhưng năm 2018 toàn xã cũng có 8 bệnh nhân mắc lao được phát hiện trên địa bàn. Nghiêm trọng hơn, trong đó có tới 3 bệnh nhân mắc lao kháng thuốc trong tổng số 26 bệnh nhân lao kháng thuốc đang điều trị toàn tỉnh. Đây là mối đe dọa cho công tác phòng và chống lao bởi việc điều trị lao kháng thuốc khó khăn đồng thời chi phí và thời gian chữa trị cũng tăng hơn nhiều so với bệnh lao thông thường. Bác sĩ Đỗ Xuân Tỉnh, Trạm trưởng Trạm Y tế Linh Sơn chia sẻ: Để phòng, chống bệnh lây lan trong cộng đồng và hỗ trợ bệnh nhân điều trị, chúng tôi phải cử cán bộ chuyên trách thường xuyên xuống vận động, động viên từng bệnh nhân điều trị liên tục tại nhà sau khi đã hết thời gian điều trị nội trú tại Bệnh viện. Chúng tôi cũng vận động người thân của bệnh nhân cùng động viên, nhắc nhở, giám sát bệnh nhân điều trị đúng phác đồ. Chính vì vậy mà đến nay đã có 5 bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn và chỉ còn 3 bệnh nhân kháng thuốc tiếp tục điều trị thường xuyên.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Ngô Thị Thu Tiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho biết: Việc tuân thủ phác đồ điều trị đối với bệnh nhân mắc bệnh lao nói chung rất quan trọng để bảo đảm khỏi bệnh hoàn toàn. Trên thực tế, một số bệnh nhân chỉ dùng thuốc vài tháng đầu, khi thấy khỏe hơn, tưởng là hết bệnh nên bỏ dở điều trị. Việc điều trị dở dang khiến bệnh không được chữa dứt điểm và nhanh tái phát đồng thời gây nguy cơ kháng thuốc cao. Chính vì vậy, để hoạt động phòng, chống lao ở cơ sở phát huy hiệu quả, không những cần thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng, chống bệnh cho chính mình và cộng đồng mà còn cần sự hỗ trợ tích cực giúp người bệnh tuân thủ điều trị. Đây không chỉ là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống lao mà cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân. Làm được như vậy mới mong khống chế, đẩy lùi, tiến tới thanh toán bệnh lao theo mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngày 24-3 hằng năm được Liên hợp quốc chọn làm Ngày Thế giới phòng, chống lao nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao.

Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2019, được Chương trình chống lao Quốc gia phát động với chủ đề: “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030” nhằm hướng đến cam kết chính trị các cấp và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, đồng thời tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân và cộng đồng về bệnh lao và công tác phòng, chống lao; giảm mặc cảm kỳ thị đối với bệnh lao; tăng cường công tác phát hiện bệnh lao, đặc biệt là lao trẻ em, lao kháng thuốc, lao/HIV…