Trước tình trạng nhiều trẻ em ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) bị nhiễm sán lợn khiến nhiều phụ huynh hoang mang, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Huyền, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) về vấn đề này.
P.V: Bác sĩ nhận định thế nào khi nhiều trẻ em ở Thuận Thành (Bắc Ninh) bị nhiễm sán lợn? Tình trạng nhiễm sán lợn ở Thái Nguyên những năm gần đây ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Huyền: Hiện nay, tỷ lệ nhiễm sán lợn trong cộng đồng tương đối cao từ 7-15%; vùng Thuận Thành tỷ lệ dương tính là 12%. Tỷ lệ này không có gì là bất thường ở vùng đó nên người dân cũng không nên lo lắng quá. Đa số giun sán khi vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể người đào thải ra. Vì xét nghiệm kháng thể nên tỷ lệ dương tính rất nhiều. Những người đã từng bị nhiễm sán rồi xét nghiệm cũng cho kết quả dương tính mặc dù người đó không bị bệnh.
Tại Thái Nguyên, năm 2017, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) tiếp nhận 17 trường hợp nhiễm sán lợn; năm 2018, có 15 trường hợp và đầu năm 2019 có 5 trường hợp, chủ yếu là ở người lớn, rải rác ở các địa phương: Đại Từ, Phú Bình, Võ Nhai bao gồm cả nhiễm sán lợn trưởng thành và cả ấu trùng. Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán ăn uống (ăn thịt tái sống, tiết canh, nem chua)… Các ca bệnh được điều trị tại bệnh viện, có phương tiện cấp cứu và theo dõi điều trị.
P.V: Bác sĩ có thể cho biết đôi nét về bệnh sán lợn và mức độ nguy hiểm của bệnh?
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Huyền: Bệnh sán lợn có hai thể bệnh, sán lợn trưởng thành và bệnh ấu trùng sán lợn, tùy thuộc vào người bệnh ăn phải trứng sán hay ấu trùng. Ví dụ: Với người ăn phải ấu trùng sán lợn có trong thịt lợn (ăn sống, hoặc nấu chưa chín kỹ), khi vào đến dạ dày ấu trùng phá nang kén bám vào thành ruột non và sẽ phát triển thành sán trưởng thành. Sán trưởng thành ký sinh trong ruột non rất lâu năm và gây bệnh. Còn đối với bệnh ấu trùng sán lợn (do người bệnh nuốt phải trứng sán, có thể do nguồn nước nhiễm sán, thực phẩm, đặc biệt là rau sống) biến thành ấu trùng, qua thành ruột và chui vào máu và ký sinh ở cơ, mắt, não… tùy từng vị trí sẽ có những biểu hiện khác nhau. Ví dụ như ở cơ, hoặc khu trú dưới da, mình có thể nhìn thấy những u cục, kích thước nhỏ bằng hạt ngô, đỗ và di động một cách dễ dàng. Đặc điểm của nó là không gây đau, ngứa nên người bệnh cũng ít khi để ý đến. Chỉ khi nào nó phù to, kích thước hơn 2cm thì người bệnh mới chú ý. Còn ký sinh ở mắt thì người bệnh có biểu hiện nhìn mờ, giảm thị lực. Nếu bệnh nặng mà người bệnh không phát hiện được thì có thể gây mù. Còn ký sinh ở não thì có thể gây co giật, động kinh, có thể liệt tay, chân hoặc liệt nửa người. Bệnh nhân có thể đau đầu dữ dội, rối loạn trí nhớ.
P.V: Vậy làm thế nào để phòng tránh bệnh sán lợn?
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Huyền: Để phòng tránh bệnh sán lợn, chúng tôi khuyến cáo người dân không ăn thực phẩm sống như thịt lợn tái sống, tiết canh, nem chua; không ăn rau sống khi không bảo đảm vệ sinh; sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh; ăn chín, uống sôi. Không tiêu thụ thịt lợn gạo, khi phát hiện thịt lợn gạo phải tiêu hủy theo đúng quy định. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông; quản lý chặt chẽ các lò, khu vực giết mổ lợn; thực hiện tốt công tác kiểm dịch nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ai cũng có thể nhiễm ấu trùng sán lợn song không phải ai cũng bị bệnh. Không hẳn những người dương tính với ấu trùng, sán lợn cũng đều mắc bệnh. Vì thế, người dân không nên hoang mang, quá lo lắng. Việc uống thuốc tẩy giun định kỳ có tác dụng phòng ngừa giun sán, trẻ em trên hai tuổi là có thể sử dụng thuốc tẩy giun. Khi cha mẹ nghi con nhiễm sán lợn cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!